Có 1 kỳ Olympic không giống ai

Sự bất thường của Thế vận hội Tokyo thấy rõ qua bữa ăn tối của một đội thể thao Úc vừa đến Nhật Bản. Các vận động viên (VĐV) tập trung tại nhiều bàn tròn chia thành nhiều ô ngăn cách nhau bằng những tấm nhựa trong. Mỗi người ngồi bên trong vòng tròn của riêng họ, ăn trong im lặng. Tất cả được yêu cầu không nói chuyện khi đang ăn vì không đeo khẩu trang.

Người dân Nhật Bản phản đối tổ chức Olympic trong khi ban tổ chức thì đang căng mình chống dịch trước giờ khai mạc. Ảnh: GETTY IMAGES

Các nhà tổ chức hy vọng sự kiện thế vận hội có thể cứu vãn và kích hoạt cho thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Nhưng ai ngờ Olympic Tokyo đã biến hình kỳ lạ bởi sự hoảng sợ về COVID-19 còn tồn tại đặc biệt ở Nhật Bản. 

Tokyo luôn bị đặt trong tình trạng khẩn cấp suốt mùa giải, với việc các nhà chức trách lo lắng về sự lây lan của biến thể Delta có khả năng bùng phát ở một quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp. Vài tuần tiếp theo sẽ xác định liệu quyết định tiến hành thế vận hội (từ ngày 23-7 đến 8-8) là một sự dũng cảm hay canh bạc tai hại.

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và các nhà làm giải Nhật Bản đã thúc đẩy cuộc chơi từng hoãn lại một năm, bất chấp sự dè dặt rộng rãi của công chúng Nhật Bản và chính người trong cuộc. Một số VĐV đã chọn bỏ cuộc vì lo sợ lây nhiễm COVID-19 khi tập trung hàng chục ngàn người từ khắp nơi trên thế giới sẽ tạo ra một ổ dịch khổng lồ.

IOC dự kiến có khoảng 1/5 số lượng VĐV (11.000 VĐV) và quan chức chưa được tiêm chủng. Ban tổ chức đã không đưa ra yêu cầu bắt buộc về chủng ngừa đối với những người tham gia và Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm du lịch quốc tế, cho phép khách nhập cảnh vào đất nước với các yêu cầu kiểm dịch gắt gao.

Các tình nguyện viên Olympic Nhật Bản đã được tiêm vaccine vào tháng 6 nhưng cũng có khoảng 10.000 tình nguyện viên bày tỏ lo ngại về loại virus này khi có ít nhất ba người đã bị dương tính.

Những dấu hiệu trên cho thấy việc tổ chức thế vận hội sẽ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục lan truyền nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, các VĐV được yêu cầu tuân thủ một danh sách dài các quy tắc nghiêm ngặt như không mua sắm tại các cửa hàng sân bay, không ôm nhau, không trò chuyện trong thang máy, im lặng tuyệt đối trong bữa ăn; cấm tham quan bên ngoài địa điểm tập luyện, nơi ở hoặc làng Olympic; chỉ vỗ tay, không cổ vũ hay ca hát trên sân thi đấu; các VĐV và những người tương tác cuộc chơi phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 hằng ngày và phải rời Nhật Bản trong vòng 48 giờ sau cuộc thi cuối cùng trong bộ môn của họ.

Mới đây, Tiểu ban phòng chống doping thế giới còn đưa ra cảnh báo việc một Olympic đang căng mình lo phòng chống COVID-19 chắc chắn sẽ để lỗ hổng rất lớn cho việc chống doping mà dự báo là lượng VĐV qua mặt do sử dụng doping sẽ tăng rất cao.•

 

Olympic trên tivi

Các môn thi ở Thế vận hội Tokyo đều không có khán giả và nguồn thu chính của nhà tổ chức đến từ phát sóng trên truyền hình. Giới chuyên môn thì lo ngại sự trống rỗng trong sân vận động và lệnh cấm các thành viên trong gia đình VĐV tham dự sẽ hiếm có những cảnh quay xúc động, là điều cốt lõi của việc kể chuyện Olympic trên truyền hình. Roger Mosey, phụ trách một đài truyền hình thể thao nổi tiếng của Anh và từng là giám đốc của Olympic Bắc Kinh 2008, cho biết: “Điều khiến Olympic London 2012 gây tiếng vang không chỉ là màn trình diễn của các VĐV mà còn là khoảnh khắc đẹp từ khán giả lẫn sự náo nhiệt trên khắp các địa điểm tổ chức Olympic. Thế vận hội xoay quanh sự tương tác giữa mọi người trên thế giới để xích lại gần nhau hơn nhưng đại dịch khủng khiếp đã khiến điều đó không thể xảy ra. Đây là một kỳ thế vận hội không giống ai”. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm