Trả lời nội dung này, ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đây là nội dung khó, khối lượng công việc nhiều, phức tạp nên TP xem xét hết sức thận trọng.
Cho đến nay, UBND TP đã 3 lần họp để nghe thanh tra, các bên liên quan về vấn đề này báo cáo. Hệ thống hồ sơ nhà biệt thự có đầy đủ nhưng có những biệt thự tồn tại từ 60-70 năm nay, nên hồ sơ phải tập trung quản lý. UBND TP đã yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ các hồ sơ.
Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý cũng có sai sót do lịch sử để lại. "Chúng tôi đã yêu cầu chậm nhất đến 15-12 các đơn vị đó phải có báo cáo chính thức về thực trạng hồ sơ hiện nay. Sau khi có báo cáo cụ thể, nếu các đơn vị có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ để thất thoát thì TP sẽ tổ chức thanh tra công vụ về riêng nội dung này " - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nói.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đang chất vấn. Ảnh: Trọng Phú
Về việc thanh kiểm tra công tác quản lý biệt thự công, ông Khanh cho hay cơ quan thanh tra đang tập trung làm. Tuy nhiên, để xác định một biệt thự cổ, cần bảo tồn thì có rất nhiều tiêu chí, vì thế khi tiếp cận từng biệt thự thì cần có thời gian thanh tra, mời tư vấn, mời cơ quan chuyên môn của bộ về xử lý...
“Nếu phát hiện sai phạm liên quan đến tổ chức, cá nhân nào sẽ chuyển cơ quan điều tra, thanh tra, xử lý theo pháp luật”, ông Khanh cho biết. Cũng theo ông Khanh, trong quá trình thực hiện thanh kiểm tra nhà biệt thự công đã phát hiện một số quy trình thiếu chặt chẽ, tuy nhiên còn phải căn cứ vào kết luận thanh tra cuối cùng.
Chưa hài lòng với phần trả lời của PCT Vũ Hồng Khanh, ĐB Nguyễn Hoài Nam nêu chất vấn: “Tại sao 312 biệt thự nằm trong danh sách 970 biệt thự cần phải quản lý lại bị loại ra khỏi danh mục quản lý. Thẩm quyền nào cho phép UBND TP thực hiện việc loại bỏ mà không thông qua HĐND. Tôi cũng chưa thấy nói khi nào kết thúc thanh tra 312 biệt thự này và có biểu hiện cản trở trong công tác thanh tra hay không?”.
“TP không bao giờ từ bỏ trách nhiệm quản lý, TP không loại bỏ 312 biệt thự này ra khỏi diện quản lý mà chỉ phân loại ra để quản lý cho tốt”, ông Khanh nói. Tuy nhiên, ông Khanh cũng thừa nhận, trong quá trình quản lý có sai sót, quy trình cách làm chưa chặt chẽ, “chúng tôi đã biết, đã chỉ ra một số trường hợp cụ thể, nhưng thanh tra 312 biệt thự phải có thời gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra công vụ xác định rõ tổ chức trách nhiệm cá nhân liên quan”.
Trả lời câu hỏi có chuyện cán bộ cản trở công tác thanh tra hay không ông Khanh khẳng định, TP không dung túng cho cán bộ để xảy ra sai phạm tiêu cực, nếu không tạo điều kiện, cản trở công tác thanh tra sẽ xử lý đúng quy định của luật. Ông Khanh cũng hứa sẽ lưu ý chuyện cán bộ lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản công tránh thất thoát tài sản công.
ĐB Nguyễn Xuân Diên bình luận: “Rõ ràng công tác tham mưu còn có vấn đề. Lý ra đối với mỗi vụ việc phải đầy đủ hồ sơ mới ký sao lại có chuyện ký rồi mà hồ sơ còn có vấn đề? Thế mới có chuyện tài sản công bị chiếm dụng, ĐBQH lên tiếng, dân lên tiếng nhưng chưa rõ trách nhiệm quản lý yếu ở đâu!”. Theo ĐB Diên, UBND TP cần phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của can cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 7177 đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý…
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18 của HĐND. Bà Thanh cũng đề nghị Ủy ban chỉ đạo sớm hoàn thành thanh tra, nếu có sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, bà Thanh còn lưu ý Ủy ban tăng cường phối hợp có hiệu quản quản lý nhà biệt thự và làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan.