Cô giáo trích lương vận động trẻ đến lớp

Đường vào huyện mới Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng ngoằn ngoèo, hun hút, có nhiều khúc ngoặt giật khuỷu tay. Hầu hết các cô giáo ở đây đều rất trẻ. Học trò của các cô phần lớn là dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn.

Cô giáo Ngô Thúy Bình trước đây dạy Trường THPT Đam Rông, nay chuyển trường về Trường THCS Lieng Sronh. Cô thương nhớ và nhắc mãi về cô học trò bé bỏng K Khiên năm đầu tiên cô chủ nhiệm lớp 12.

Cuối tháng 8-2010, sau lễ tựu trường hai ngày, một bà mẹ người dân tộc M’nông tới tìm cô, ngượng ngịu nói tiếng Việt chưa sõi: “Cô giáo à, con bé Kon Yong K Khiên nó có bầu bảy tháng rồi. Nhưng cô giúp nó đi học nhé. Nó muốn làm cô giáo…”.

Cô giáo tròn xoe mắt ngạc nhiên, đó là tình huống đầu tiên trong đời cô gặp phải. Bà mẹ người dân tộc lam lũ, tóc khét nắng, ngượng nghịu nắm tay cô gửi gắm. Bà không dám bước vào văn phòng nhà trường.

Cô giáo Khiên đang chăm sóc học trò của mình tại lớp. Ảnh: H.MINH

Cô hỏi chuyện riêng Khiên, cô bé bẽn lẽn tâm sự vì thương cậu trai cùng thôn quá nên hai đứa “lỡ” với nhau, ước hẹn học xong sẽ làm đám cưới. Người yêu của Khiên cũng là học trò của cô.

Năm học mới bắt đầu gần hai tháng thì Khiên sinh em bé. Dù mắc cỡ nhưng Khiên vẫn dũng cảm quay lại lớp học. Bà mẹ của Khiên đến gặp cô giáo để tặng cô một quả bí ngô thay lời cám ơn.

Sinh con xong, Khiên gửi bà ngoại chăm giúp rồi quay lại trường. Cũng có vài bạn học trêu chọc một chút. Nhưng hầu hết đều giúp đỡ Khiên chép bài, học bài. Cô giáo luôn động viên Khiên cố học để có thể đi xa hơn bản làng bốn bề núi giăng giăng.

Khiên khăn gói lên Đà Lạt thi đại học và đậu ngành lịch sử Trường ĐH Đà Lạt lẫn ngành giáo dục mầm non Trường CĐSP. Khiên òa khóc vì chạm tay vào ước mơ. Đó là lần đầu tiên cô bé rời bản làng của mình. Người yêu của Khiên sau đó đã nghỉ học, xin ở rể để làm tròn trách nhiệm với gia đình và chăm con.

Thôn Đa Xế của Khiên và nhiều xã khác của huyện Đam Rông rất nghèo và lạc hậu so với các huyện khác trong tỉnh. Rất ít các em học sinh người dân tộc thiểu số bứt khỏi bản làng để đi “du học” thành phố. Vì vậy, các thầy cô rất tự hào về Khiên.

Khiên chọn ngành học mầm non với ước muốn quay về làng chăm sóc những đứa trẻ ở đây. Khiên dạy chúng múa hát, biết chào hỏi, biết chăm em, biết ăn ở vệ sinh…

Khiên dạy những em bé nói tiếng Việt rành rọt để khi vào lớp 1 không bỡ ngỡ như Khiên ngày xưa. Khiên nói: “Em nhớ và biết ơn hai cô giáo chủ nhiệm của em lắm. Em bây giờ rất hạnh phúc vì được làm cô giáo”.

Năm học này, lớp mầm non có 40 em học sinh, tất cả đều là người dân tộc thiểu số. Các em ríu ríu chào cô bằng cả tiếng dân tộc và tiếng Việt.

40 em học sinh trong lớp tôi, tất cả đều là học sinh dân tộc thiểu số và đều rất khó khăn. Nhiều gia đình không cho em bé năm tuổi ra lớp vì họ sợ tốn tiền. Tôi phải thuyết phục vận động đưa con em ra lớp để dạy các em biết tiếng Việt cho các em có nền tảng trước khi vào lớp 1 làm quen với con chữ, khó khăn cứ để đó... cô giáo lo.

Có nhiều gia đình cha mẹ đi vô rẫy, ở nhà đứa lớn lo đứa nhỏ, đứa nhỏ lo đứa nhỏ hơn, tôi thấy thương quá nên mua giúp các em cái này cái kia. Các khoản tiền như tiền mua khăn mặt, kem đánh răng, nước, đồ dùng học tập... cô giáo đều lấy tiền lương của mình ra mua cho các em.

Học trò ở đây học được lên cấp II, cấp III là rất giỏi rồi. Mình cứ động viên cha mẹ các em, mong cho năm nào cũng có đứa rời khỏi làng đi học như mình.

Cô giáo KON YONG K KHIÊN

_____________________________

K Khiên về công tác ở trường đã hai năm nay. Khiên làm việc rất tốt, hết lòng vì các em học sinh, được các phụ huynh yêu quý. Khiên hiện đang làm bí thư đoàn trường. Trường năm nay có chín lớp, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô giáo KON YONG K KHET, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đam Rông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới