Ngày 17-9, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Ấn 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với công ty Policy Times và phòng Thương mại và Công nghiệp MIICCIA tổ chức Hội thảo trực tuyến “Triển vọng du lịch Việt Nam - Ấn Độ hậu COVID-19”.
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu và đại diện gần 200 hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành và khách sạn.
Đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành và khách sạn Việt Nam - Ấn Độ tại Hội thảo ngày 17-9. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI ẤN ĐỘ
Thành tựu và triển vọng phát triển
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ băn khoăn, trăn trở về việc có nên tổ chức hội thảo du lịch vào thời điểm dịch bệnh tại Ấn Độ đang tăng cao với hơn năm triệu ca nhiễm COVID-19 và chính phủ Việt Nam vẫn chưa chủ trương thúc đẩy du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, Đại sứ nhận định đây là thời điểm “chín muồi” để tái lập kết nối các doanh nghiệp hai nước, phân tích và đánh giá tiềm năng, cơ hội để kích hoạt kế hoạch chuẩn bị thúc đẩy du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đại sứ cho biết trong năm 2019, Đại sứ quán đã tổ chức sáu roadshow du lịch và có Tháng Việt Nam với hơn 35 hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Cũng trong năm 2019, nhờ sự vận động kiên trì của Đại sứ quán, Việt Nam và Ấn Độ đã đưa vào hoạt động đường bay thẳng kết nối Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với New Delhi và Mumbai vào tháng 10 (do Indigo mở) và tháng 12 (Vietjet). Với tiềm năng sẵn có, phương tiện di chuyển thuận lợi và thông tin quảng bá sâu rộng, 2020 đã có thể là năm bùng nổ du lịch Việt - Ấn nếu không có COVID-19.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại Hội thảo ngày 17-9. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI ẤN ĐỘ
Trong bốn tháng vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam cũng tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân tại Ấn Độ quay lại Việt Nam. Hiện sứ quán cũng cố gắng đưa các nhà đầu tư, chuyên gia Ấn Độ tới Việt Nam để thúc đẩy sản xuất.
Đại sứ nhấn mạnh đây là lúc thích hợp để thảo luận về thúc đẩy du lịch, đặc biệt cho dịp lễ Diwali của người Ấn Độ trong tháng 10-2020 và Tết nguyên đán của người Việt Nam trong tháng 2-2021.
Thay mặt cho Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh trong những năm qua, trao đổi khách giữa hai nước tăng nhanh.
Trong đó, khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ đạt gần 30 nghìn lượt và khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt khoảng 170 nghìn lượt. Hai bên kỳ vọng đến năm 2022, trao đổi khách hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 500 nghìn lượt.
Việt Nam đã quyết định nối lại sáu đường bay định kỳ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Campuchia, Lào từ ngày 15-9. Chuyên gia và khách nhập cảnh mục đích công vụ làm việc dài ngày tại Việt Nam đang được xem xét giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 5 ngày.
Từ tháng 9-2020, chính phủ Việt Nam cũng đã cho phép chuyên gia và khách nhập cảnh mục đích ngoại giao, công vụ dưới 14 ngày không cần cách ly. Tuy nhiên, tất cả các khách nhập cảnh phải tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ các quy định về phòng chống COVID-19.
Việc mở cửa thí điểm này sẽ tiếp tục được xem xét mở rộng với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng khác của Việt Nam, trong đó có Ấn Độ, khi điều kiện cho phép. Hoạt động du lịch quốc tế nói chung được kỳ vọng sẽ sớm được hồi phục trong năm 2021.
Hướng đi mới cho hợp tác du lịch Việt - Ấn
Ông Hà Văn Siêu cũng đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp, cụ thể là: (i) xây dựng chính sách linh hoạt về đặt cọc, hoãn, hủy tour của khách du lịch; (ii) các công ty hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cần có các thỏa thuận hợp tác chặt chẽ với nhau, chia sẻ cập nhật thông tin, cùng nhau vượt qua khó khăn và (iii) hợp tác kết nối chuẩn bị kế hoạch hành lang du lịch an toàn, quảng bá xúc tiến du lịch an toàn sau khi COVID-19 kết thúc.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo ngày 17-9. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI ẤN ĐỘ
Việc tạo nền tảng doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với nhau (B2B) cũng là nét mới, góp phần thúc đẩy các liên kết thực chất.
Hội thảo trực tuyến “Triển vọng du lịch Việt Nam - Ấn Độ hậu COVID-19” ngày 17-9 là sự kiện thứ ba trong gồm chuỗi các hội thảo trực tiếp và trực tuyến trong khuôn khổ “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Ấn 2020” về các ngành, lĩnh vực nhiều tiềm năng hợp tác song phương nhất như du lịch, đầu tư, xúc tiến thương mại về trái cây, vật liệu xây dựng, dệt may và y tế.