Thanh long Việt vào thực đơn tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ

Ngày 7-5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức trực tuyến giữa hai nước để cung cấp thông tin về tình hình thị trường, các cơ hội kinh doanh mới cho giai đoạn trong và sau đại dịch COVID-19. Hội thảo thu hút gần 250 đại biểu, doanh nghiệp (DN) hai nước tham gia.

Cá basa Việt Nam được yêu thích tại Ấn Độ

Với gần 1,4 tỉ dân, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Nam Á. Đối với Việt Nam, đây cũng là thị trường nhiều tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm có thế mạnh như chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây tươi và chế biến...  

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (giữa), chủ trì Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Ảnh: BCT


Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ đối với các mặt hàng này của Việt Nam còn vô cùng khiêm tốn. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ba tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 2,453 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,398 tỉ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 1,055 tỉ USD. 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, cho biết: "Thời gian qua, người dân và DN Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của Việt Nam. Chẳng hạn như cá basa Việt Nam được nuôi trồng theo tiêu chuẩn, có giá trị cạnh tranh cao nên được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng".

Một số nông sản khác như thanh long Việt Nam do ngon hơn thanh long của nhiều nước khác nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả ở những tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ. 

Đáng tiếc là nhiều sản phẩm khác của Việt Nam như trái vải, chôm chôm... là các loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt đã được nhiều người Ấn Độ biết đến và yêu thích nhưng vẫn chưa được mở đường vào Ấn Độ.

Do đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đề nghị IICCI tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam triển khai thủ tục đề nghị chính phủ Ấn Độ mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn, vải, chôm chôm… vào Ấn Độ.

"Để thương mại nông sản, thực phẩm Việt Nam - Ấn Độ vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 và phát triển khởi sắc hơn trong tương lai, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, tổ chức liên quan giữa hai quốc gia cần phát huy tối đa các nguồn lực, tận dụng cơ hội từ những cam kết mở cửa thị trường mà hai nước đã đạt được, các điều kiện thuận lợi hóa thương mại, kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN nông sản, thực phẩm hai bên không vì COVID-19 mà chùn bước giao thương" - ông Phú nói.

Ấn Độ có nhu cầu rất lớn với sản phẩm gia vị của Việt Nam

Tại hội thảo trực tuyến, ông Atul Kumar Saxena - Chủ tịch IICCI, thông tin nhiều sản phẩm của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Ấn Độ. Đơn cử như cà phê, chè, hạt điều, ca cao, gạo, đường, nước dừa, bánh quy, thanh long, sản phẩm chế biến từ quả me... và đặc biệt là gia vị, sản phẩm rất nổi tiếng của Việt Nam với tiêu đen, hồi, thảo quả...

Các diễn giả phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: BCT

"Mặt hàng gia vị có nhu cầu rất lớn tại Ấn Độ. Các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiến vào thị trường Ấn Độ bằng cách chế biến sâu hơn và đóng gói thành sản phẩm gia vị masala đơn vị hoặc đa vị có thương hiệu rõ ràng. Các loại gia vị, hương liệu masala của Pakistan từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ nhưng đang gặp khó khăn vì lệnh cấm giao thương Ấn Độ - Pakistan” - ông Atul Kumar Saxena nói.

Đối với mặt hàng gạo, chủ tịch IICCI góp ý với năng lực nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, các DN Việt nên chế biến đa dạng các sản phẩm để gia tăng giá trị. Ví dụ như chế biến thành bánh đa nem...

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cũng cho rằng giai đoạn cả trong và sau đại dịch COVID-19, ưu tiên đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn cho doanh nghiệp. Ấn Độ là thị trường các DN Việt Nam cần hướng tới và chú trọng nhiều hơn do thị trường này có sức mua ngày càng tăng và họ có nhu cầu với thực phẩm của Việt Nam.

Theo kế hoạch, vào ngày 19-5, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội thảo giao thương trực tuyến: “Xúc tiến thương mại thông qua cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm