Có S-400, Ấn Độ có thể đe dọa quân đội Trung Quốc?

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường tiếp viện dọc khu vực biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya sau khi binh sĩ hai bên tham gia vụ đụng độ tồi tệ nhất trong hàng thập niên hôm 15-6.

Khi căng thẳng có nguy cơ leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tận dụng chuyến thăm Nga trong tuần này để hối thúc Nga – nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ - đẩy nhanh việc bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph, theo truyền thông Ấn Độ.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ (Moscow) hôm 9-5-2015. Ảnh: REUTERS

Kết hợp cùng những máy bay của Ấn Độ được thiết kế để tác chiến ở những vùng cao nguyên, S-400 có thể đặt ra đe dọa cho quân đội Trung Quốc, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của các nhà quan sát.

Ấn Độ: S-400 là viên đạn bạc của chúng tôi

Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều sở hữu hệ thống phòng thủ S-300 của Nga, phiên bản tiền nhiệm của S-400. Trung Quốc cũng đã mua S-400 của Nga và nhận hệ thống này hồi cuối năm 2018.

Báo SCMP dẫn nhận định của ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho hay căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Ấn Độ xoay quanh tranh chấp biên giới thúc đẩy New Delhi tăng cường hệ thống phòng không để đối địch Bắc Kinh.

Tháng 10-2018, nhân chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký với nhà lãnh đạo Nga hợp đồng vũ khí mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 trị giá hơn 5 tỉ USD.

Ấn Độ hy vọng Nga bàn giao năm khẩu đội S-400 trong năm 2020. Ảnh: TASS

Tháng 11-2019, Ấn Độ trả trước cho Nga khoản tiền 800 triệu USD. Nga thông báo sẽ bắt đầu bàn giao S-400 cho Ấn Độ vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, nhật báo Kommersant hôm 26-6 cho biết Nga sẽ tăng tốc giao S-400 cho Ấn Độ trước một năm sau các vụ căng thẳng giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan tại những khu vực biên giới tranh chấp. 

Theo Kommersant, Ấn Độ hy vọng Nga sẽ bàn giao năm khẩu đội S-400 đầu tiên trong năm 2020.

 “Nếu kịch bản này được thực hiện thì chúng tôi sẽ nhìn thấy S-400 đầu tiên tại thủ đô New Delhi vào Ngày Cộng hòa 21-6 tới” - một nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết.

“S-400 sẽ là viên đạn bạc của chúng tôi chống lại kẻ thù” - nguồn tin khẳng định.

Kommersant dẫn các nguồn tin Ấn Độ cho biết New Delhi lên kế hoạch triển khai ba khẩu đội S-400 tại biên giới với Pakistan và hai khẩu đội S-400 tại biên giới với Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga được cho sẽ giao một khẩu đội S-400 mỗi năm và dự kiến đến năm 2024 tất cả năm tổ hợp S-400 sẽ có mặt tại Ấn Độ.

 “Sự mất cân bằng (với Trung Quốc và Pakistan) sẽ bị loại bỏ sau khi S-400 đảm nhận vai trò chính bảo vệ không phận Ấn Độ” - nguồn tin nói.

Nga tuyên bố S-400 là hệ thống phòng không hiện đại, có thể theo dõi và bắn rơi các mục tiêu như tên lửa đạn đạo, máy bay và máy bay không người lái của quân đối địch ở khoảng cách tới 400 km và ở độ cao 10-27 km.

S-400 khó đối phó tên lửa siêu thanh Trung Quốc

Năm 2017, Trung Quốc và Ấn Độ trải qua vụ tranh chấp biên giới kéo dài 73 ngày tại cao nguyên Doklam, gần ngã ba biên giới Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan.

Tuy nhiên, vụ đối đầu đêm 15-6 tại thung lũng Galvan thuộc vùng Ladakh ở Kashmir là vụ đụng độ tồi tệ nhất trong hàng thập niên qua. Vụ việc khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong khi chưa rõ số thương vong phía Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường kho vũ khí ở biên giới kể từ căng thẳng biên giới Doklam, trong đó có tiêm kích J-20. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trung Quốc đã mở rộng kho vũ khí ở biên giới kể từ xung đột biên giới Doklam. Số vũ khí bao gồm tiêm kích tàng hình J-20, trực thăng Z-20, tiêm kích J-10C và J-11B, máy bay không người lái đa nhiệm Wing Loong II, xe tăng hạng nhẹ Type 99A và Type 15 có thể hoạt động ở khu vực cao nguyên cùng tên lửa Đông Phong.

Chuyên gia quân sự Liang Guoliang ở Hong Kong cho hay mặc dù S-400 có thể phát hiện và bắn rơi tiêm kích J-10C và J-11B của Trung Quốc nhưng sẽ không thể đối phó tiêm kích tàng hình J-20 hay những vũ khí siêu thanh khác.

“S-400 không thể hạ gục tên lửa hành trình phóng từ mặt đất DF-10 và Changjian-100 hay tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Đóng góp lớp nhất của S-400 là có thể bảo vệ khu vực gần thủ đô New Delhi nếu chiến tranh bùng nổ” - ông Liang đánh giá.

Có S-400, Ấn Độ đe dọa quân đội Trung Quốc?

Tuy nhiên, ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cho rằng nếu Ấn Độ cũng sở hữu S-400 thì điều này sẽ đặt ra đe dọa cho quân đội Trung Quốc.

“Hệ thống S-400 có tầm hoạt động xa hơn và tỉ lệ đánh trúng mục tiêu chính xác hơn. Cùng với tiêm kích Su-30 của Nga và trực thăng Apache của Mỹ, tất cả được thiết kế để triển khai trong những trận chiến ở khu vực đồi núi và cao nguyên. Không nên đánh giá thấp việc này” - ông Song nhận định.

Một tiêm kích Ấn Độ bay qua rặng núi gần Leh, thuộc vùng Ladakh hôm 23-6. Ảnh: TAUSEEF MUSTAFA/AFP/GETTY IMAGES

“Trên thực tế, quân đội Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở khu vực đồi núi được tích lũy từ những cuộc giao tranh với quân đội Pakistan trong những năm qua. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu trong hàng chục năm qua” - ông Song cho biết thêm.

Khó có thể đánh giá sức mạnh quân sự hai nước

Trong khi Ấn Độ cố gắng đẩy mạnh phát triển vũ khí nội địa, hơn một nửa hệ thống vũ khí của nước này là nhập khẩu. Theo dữ liệu mới nhất về chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ chiếm 9,2% tổng lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu trong bốn năm qua, xếp sau Saudi Arabia (12%). Trung Quốc xếp thứ năm với khoảng 4,3%.

Không như Ấn Độ, hầu hết hệ thống vũ khí mà quân đội Trung Quốc triển khai tại những khu vực cao nguyên là được phát triển tại Trung Quốc.

So sánh sức mạnh quân sự giữa hai nước, chuyên gia Koh tại Singapore nói rằng khó có thể đưa ra đánh giá khi chỉ dựa vào vũ khí.

“Sự so sánh này phải tính tới yếu tố con người, học thuyết và năng lực của quân chủng. Dựa trên điều này, tôi nghĩ cả quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều có điểm mạnh để ca ngợi nhưng cũng có nhược điểm cần khắc phục khi nói tới giao tranh dọc biên giới Himalaya”, ông Koh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới