Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

(PLO)- Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-11, tại TP Vĩnh Long, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23-11-1922 – 23-11-2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Trong kháng chiến: Kiên cường bám dân, bám đất

Trong diễn văn kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại những hoạt động đặc biệt nổi bật của ông Sáu Dân từ sau khi đứng trong đội ngũ của Đảng.

Giai đoạn 1941-1945, sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940) bị thực dân Pháp đàn áp, dìm trong biển máu, ông Sáu Dân cùng các đồng chí rút vào rừng U Minh xây dựng, phát triển nơi đây thành đầu não của phong trào cách mạng ở miền Tây Nam bộ.

Trong những năm trước 1950, ông Sáu Dân đã sát cánh, bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng bản Đề cương cách mạng miền Nam - một tài liệu quan trọng được Đảng ta nghiên cứu, hoàn thiện, hình thành Nghị quyết 15 (tháng 1-1959) về cách mạng miền Nam.

Trong giai đoạn từ sau năm 1969, khi phụ trách Khu 9, ông Sáu Dân cùng các đồng chí, quân dân miền Tây chủ động tấn công vào hệ thống căn cứ của địch; bẻ gãy hàng loạt chiến dịch “càn quét và bình định” của địch, đẩy quân địch vào thế chống đỡ, lúng túng.

Từ đó góp phần cùng quân dân cả nước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1-1973).

Cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho chúng ta bài học: Để được nhân dân ủng hộ phải dựa vào dân, phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân mới có thể giành thắng lợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, đánh giá về những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước, Đảng ta khẳng định: “Đồng chí (Võ Văn Kiệt) luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử”.

Xây dựng Vĩnh Long giàu đẹp, đất nước hùng cường

Tại buổi lễ, Phó Bí thư đoàn Công an tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Ngọc Diễm, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, phát biểu tri ân công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; đồng thời bày tỏ quyết tâm nêu gương, học tập cố Thủ tướng, ra sức thi đua lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi quê hương Vĩnh Long sản sinh ra người con xuất sắc Võ Văn Kiệt. “Tỉnh Vĩnh Long nguyện phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như mong muốn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng!” - ông Nghiêm phát biểu.

Trong xây dựng: Vượt qua tư duy cũ kỹ, lạc hậu

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong giai đoạn xây dựng đất nước từ sau năm 1975, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều ý tưởng, đề xuất về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thực hiện cơ chế khoán hộ nhằm giải quyết vấn đề lương thực; khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất hàng hóa và khai thác mọi nguồn hàng phục vụ tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân và phục vụ xuất khẩu...

Theo Thủ tướng, những ý tưởng, đề xuất, việc làm thực tế và có hiệu quả trên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được đưa vào văn kiện Đại hội, góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển ổn định và đi lên mạnh mẽ của đất nước.

“Với phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới!” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và nhấn mạnh - “Đối với đồng chí, đổi mới là sáng tạo, là biết khai thác, phát huy thế mạnh của đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam; là vượt qua những tư duy cũ kỹ, lạc hậu và phong cách lãnh đạo quan liêu, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu cách mạng đề ra.

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân, lòng tự hào dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ động đến với cách mạng, đến với nhân dân, học hỏi, bàn bạc với dân tìm ra cách làm hiệu quả nhất.

Đồng chí luôn tâm niệm để được nhân dân ủng hộ, bất kỳ công việc gì, phải thực hành dân chủ “lấy dân làm gốc”, phải dựa vào dân, phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân mới có thể giành thắng lợi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân.•

Người phá thế cấm vận, mở cửa, hội nhập

Trong diễn văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật: Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo Chính phủ thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng.

Về đối nội, nhiều công trình trọng điểm của đất nước mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt” được xây dựng như: Đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam; đường Hồ Chí Minh; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; công trình thủy điện Trị An; chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991); với Mỹ (1995); gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1995); chỉ đạo thiết lập sự liên kết kinh tế với các nước trong khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế, nhằm khơi dậy và phát huy các nguồn lực bên trong và bên ngoài, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, phá vỡ thế bao vây cấm vận, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập, phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm