Sáng 22-11, Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”- kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt.
Ông Sáu Dân gần dân
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, với tầm nhìn vượt thời gian, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo triển khai những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Các công trình điển hình đó gồm đường dây tải điện 500 kv Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; công trình thoát lũ ra biển Tây, phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên; xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định ông Võ Văn Kiệt đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng cách mạng cao cả, nhân văn là giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Ông luôn gắn bó, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm tiêu chí hành động.
Bí danh Sáu Dân mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy để hoạt động cách mạng ra đời từ ý nguyện đó, trở thành tên gọi trìu mến mà bất kỳ người dân nào cũng nhớ đến.
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên chào hỏi các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Nói thêm về bí danh của cố Thủ tướng, TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia khu vực IV cho rằng, vị cố Thủ tướng luôn quan niệm, đi với cách mạng là đi với nhân dân. Tên con gái của ông là Hiếu Dân, cũng chính vì vậy mà ông lấy bí danh “Sáu Dân” để hoạt động.
Có lẽ, bí danh mà ông chọn là để nhắc nhở chính bản thân rằng, dù làm gì đi nữa cũng không thể quên một điều: Dân là gốc của đất nước, phải “hiếu” với dân.
Lúc cố Thủ tướng còn tại thế, người dân gọi kênh T5 là kênh ông Kiệt hay kênh ông Sáu.
“Thuận theo lòng dân, một năm sau ngày ông mất, HĐND tỉnh An Giang quyết định đổi tên kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm ông tại đầu tuyến kênh”- TS Khanh nhắc lại.
Người sẵn sàng lao vào việc khó
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá các tham luận đã đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc từng chủ đề, thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo ông Nghĩa, các đại biểu tham dự đã góp nhiều góc nhìn về xuất xứ gia đình, quê hương có ảnh hưởng tích cực đến lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng, nhân cách của ông Võ Văn Kiệt.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Vùng đất Vĩnh Long gắn liền với lịch sử “mang gươm đi mở cõi” của ông cha gần 300 năm trước. Với truyền thống yêu nước của gia đình, đặc biệt là từ ông nội Phan Văn Bình, từng tham gia lực lượng của nghĩa quân Lê Cẩn, ông Võ Văn Kiệt sớm giác ngộ lý tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng.
Hội thảo cũng đã khẳng định, cố Thủ tướng có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống Mỹ.
Cùng đó là những đóng góp quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Trên cương vị Chủ tịch UBND và Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình tìm tòi, khảo cứu con đường đổi mới của Đảng từ chính những kinh nghiệm thực tiễn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Khi được Trung ương điều động ra Hà Nội, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống người dân.
Đồng thời, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng trong sạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại.
“Với tư duy, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, ông Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những công trình lớn, dự án quan trọng ở khắp mọi miền đất nước”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Các tham luận và ý kiến phát biểu đã làm rõ bản lĩnh kiên cường, tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân của ông Võ Văn Kiệt.
“Đó là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, công việc ở những nơi nóng bỏng nhất, những chỗ khó khăn nhất và quyết tâm hoàn thành với kết quả tốt nhất”- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã thể hiện bản lĩnh của nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo, đổi mới với tư duy sắc sảo, nhạy bén, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tinh thần gương mẫu, tận tụy trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi….
Thầm mong đất nước có nhiều con người như chú Sáu
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, cố Thủ tướng đã rời xa 14 năm, để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là điểm tựa, niềm tin, nguồn cảm hứng cho cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
“Chắc ai cũng hiểu rằng khi mọi người nhắc về chú Sáu Dân cũng đều thầm mong đất nước chúng ta có nhiều con người như chú Sáu; muốn nhắc nhở các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng. Biết tận dụng sáng tạo vào bối cảnh mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới, điều kiện mới tạo ra những giá trị mới góp phần đưa đất nước vượt qua thử thách mới…”- ông Nguyễn Văn Nên nói.