'Có tình trạng người dân làm trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy'

(PLO)- Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho biết có tình trạng làm dịch vụ công trực tuyến nhưng thu thêm cả hồ sơ giấy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, ghi nhận việc đẩy mạnh phân cấp của TP.HCM cho các sở ngành, địa phương, giúp tiết kiệm nhiều công sức, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Nỗ lực cắt giảm giờ làm

Theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Nghị định 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu các địa phương thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh.

“Mục đích là giúp lãnh đạo tỉnh, thành kiểm soát được quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhưng TP.HCM không tổ chức được vì địa bàn rộng” – ông Hoàng nêu.

Cục Kiểm soát TTHC: Có tình trạng làm trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy-dich-vu-cong-truc-tuyen
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Dù vậy, theo ông Hoàng, TP đã nỗ lực hình thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống này vừa giúp lãnh đạo TP theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục, vừa bảo vệ được cán bộ, công chức.

“Trước đây thủ tục chậm, đa phần là công chức phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên với hệ thống thông tin này, quy trình điện tử đã có hết thì sẽ quy trách nhiệm được cho người nào làm chậm” – ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cũng bày tỏ ấn tượng với việc TP.HCM tái cấu trúc quy trình nội bộ, cắt giảm được gần 3.500 giờ làm việc; cắt giảm thủ tục được 1-2 bước với 694 quy trình nội bộ.

“Việc này nghe đơn giản nhưng đã tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều và giúp giảm thiểu chính khối lượng công việc mà cán bộ, công chức thực hiện” – ông Hoàng nhìn nhận.

Làm trực tuyến nhưng phải chuẩn bị cả hồ sơ giấy

Ông Nguyễn Duy Hoàng cũng nói có ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến hình như tạo gánh nặng cho cả công chức, chứ không riêng gì người dân.

Cục Kiểm soát TTHC: Có tình trạng làm trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy-dich-vu-cong-truc-tuyen
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Nguyễn Duy Hoàng trao bằng khen cho các sở, ngành đạt xuất sắc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo ông, Chính phủ mong muốn dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm khối lượng công việc cho công chức. Tuy nhiên hiện có tình trạng chạy theo chỉ tiêu, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.

“Người dân, doanh nghiệp đến thì công chức làm hộ, mất thêm thời gian. Tại các hội nghị, tôi hỏi các dịch vụ công trực tuyến có thu hồi hồ sơ giấy không thì bảo thu lại. Vậy thì làm dịch vụ công trực tuyến làm gì. Bởi như vậy thì vẫn phải chuẩn bị hai bộ hồ sơ dán tem” – ông Hoàng nêu.

Ông cũng dẫn chứng thêm việc có tình trạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nhưng khi nhận kết quả về thì cán bộ yêu cầu người dân cho thêm bộ hồ sơ giấy để lưu. Bởi giá trị pháp lý của file điện tử không có, toàn scan, chụp. Từ đó, ông đề nghị rà lại quy trình làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo thiết thực.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng đánh giá có sự chênh lệch về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong báo cáo của TP.HCM với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo ông, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị (không tính ngành dọc) trên địa bàn TP tiếp nhận khoảng 11 triệu hồ sơ nhưng chỉ mới đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1,2 triệu hồ sơ.

“Như vậy chỉ theo dõi được 12%, còn 88% không theo dõi được” – ông Hoàng nói và nhìn nhận theo báo cáo tổng kết của TP, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên 99% nhưng đồng bộ trên cổng quốc gia chỉ mới 73%.

Số hoá nhưng vẫn đòi hoá đơn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, kể câu chuyện về một người dân tên H ở TP đưa con đi nhập viện, bị mất hoá đơn nộp tiền tạm ứng khiến việc nhận lại tiền còn dư chậm trễ.

“Người dân nộp tiền thì nhập vào máy nhưng khi xuất viện thì bệnh viện yêu cầu tập hợp lại các biên lai để cộng vào. Vậy thì số hóa làm gì...?

Anh H nộp tạm ứng 10 triệu, viện phí hết 8 triệu thì nhận lại 2 triệu nhưng vì mất biên lai nên 2-3 ngày mới giải quyết được. Nếu không phải lên gặp giám đốc viết cam kết, xác nhận rồi mới nhận lại được 2 triệu đó. Nếu có số hóa thì con anh H đã nhận lại ngay 2 triệu rồi” - ông Hoàng kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm