Công an quận 1 cảnh báo thủ đoạn biến tướng của tín dụng đen

Công an quận 1 nhận định đây chính là thủ đoạn biến tướng của “tín dụng đen” hiện nay bởi vậy đã có những khuyến cáo người dân về hình thức “vay nóng” này.

Ngàn lẻ một chiêu trò câu khách

Lên mạng, chỉ cần gõ từ khóa "vay tiền trực tuyến", "vay tiền"… sẽ có rất nhiều kết quả, hàng loạt app vay tiền hiện ra để khách hàng lựa chọn. Thậm chí, đội ngũ quảng cáo cho vay này còn tung quân phát tờ rơi giới thiệu dịch vụ tại các điểm ngã tư đèn đỏ.

Công an quận 1 khuyến cáo người dân.

Theo Công an quận 1, bẫy quen thuộc nhất những nhóm tín dụng đen thường xuyên sử dụng là quảng cáo app vay (choban tien, Devay, Fvay, Cashwagon, idong,…) trên các Facebook, Youtube… bằng những cụm từ có cánh”: Vay nhanh, duyệt dễ, không cần thẩm định, hoàn toàn online.

Ngay sau khi người dân tò mò, đăng nhập vào app này sẽ được yêu cầu nhập thông tin cá nhân với lời cam kết “chúng tôi đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn”.

Bước kế tiếp, người vay sẽ bị yêu cầu cho phép thực hiện quản lý cuộc gọi điện thoại và truy cập danh bạ điện thoại, Facebook cá nhân… với cam kết “Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác”.

Đồng thời, người vay được đề nghị cho phép truy cập quyền định vị GPS của điện thoại với lời chào mời “khó cưỡng”: “Sau khi cho phép quyền này, tỉ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%”

Rùng rợn thủ đoạn đòi nợ

Vay dễ vậy nhưng cứ chậm trả dù bất kể là lý do gì, người dân cũng sẽ bị đòi nợ theo phương thức… ám ảnh.

Nở rộ nhiều trang mạng cho vay trực tuyến hiện nay.

Chị V. (Bình Thạnh) cho biết chính chị và người thân cũng từng phải vay nóng ở những app này. Chị khẳng định số tiền nhận được sau khi duyệt vay không bao giờ đủ, chỉ còn khoảng 70%.

“Thủ tục dễ lắm, điền xong là được vay nhưng phải điền những thông tin: họ tên, số điện thoại, nơi ở, địa chỉ, mức lương, số điện thoại nơi mình làm việc…

Ban đầu cứ nghĩ được vay 10 triệu đồng nhưng không phải, lần đầu tôi chỉ được vay 1 triệu nhưng số tiền thực tế mà tôi nhận được chỉ là 700.000 đồng. Số tiền còn lại họ giữ. Tôi vay chỉ có lần đó, vì thấy lãi suất cao quá nhưng chị tôi thì mượn nhiều. Sau vài lần vay mượn, bả được mượn 5 triệu đồng. Có đợt trả không kịp, mỗi ngày lại phải gánh thêm lãi, số tiền cuối bà trả còn gấp đôi số tiền mượn ban đầu.

Họ gọi điện thoại tới chửi, dọa rằng nếu không trả sẽ tung hết hình ảnh lên Facebook tố cáo lừa đảo. Anh em phải giúp một tay mới dứt được” - chị V. kể chuyện.

Theo Công an quận 1, những người cho vay không chỉ gọi điện thoại hoặc nhắn tin “khủng bố” đe dọa tinh thần, tính mạng đối với cá nhân người vay mà còn cả gia đình người vay.

“Nguy hiểm hơn, những đối tượng này không ngại tung tin người vay là kẻ lừa đảo, nợ tiền. Kèm thông tin này là hình ảnh người vay lên mạng xã hội, bởi trước đó đã được người vay cho phép truy cập danh bạ, Facebook…” - một cán bộ cho hay.

"Việc vay mượn trực tuyến chính là thủ đoạn biến tướng của tín dụng đen hiện nay. Bởi vậy, hậu quả của vay mượn trực tuyến rất nguy hiểm. Người vay không những phải chịu lãi suất cắt cổ (hàng trăm, thậm chí trên 1.000% mỗi năm, số tiền thực tế nhận được sau khi duyệt vay chỉ còn hơn phân nửa do bị trừ các chi phí dịch vụ)... mà họ nếu trả lãi chậm sẽ phải chịu mức phạt theo ngày hoặc gấp chục lần so với tiền gốc, bị khủng bộ về tinh thần, bị hạ bệ uy tín trước người thân, bạn bè, xã hội…

Trước thực trạng này, Công an quận 1 khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ. Tuyệt đối không vay tiền qua các ứng dụng (app, web), trên mạng xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm