Theo báo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu tại ĐH Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) đã thực hiện nghiên cứu tác động của mùa và nhiệt độ lên sự lây lan của COVID-19.
"Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến sự lây lan của dịch COVID-19 và có thể có một nhiệt độ tối ưu cho việc lan truyền rộng rãi" - nghiên cứu trên cho biết.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng "virus rất nhạy cảm đối với nhiệt độ cao". Vì thế việc lây lan ở các nước có khí hậu nóng sẽ chậm lại, cũng như sẽ nhanh hơn tại các quốc gia có khí hậu lạnh hơn.
Một chốt kiểm tra y tế tại Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo đó, các bào tử gây bệnh sẽ lan truyền nhanh nhất ở 8,72 độ C. Vì thế, các nước có khí hậu lạnh cần áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gắt gao nhất.
Tuy nhiên, các quốc gia ở khí hậu nóng cũng không nên chủ quan trước thông tin trên. Trước đó, ngày 6-3, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới đừng kỳ vọng COVID-19 sẽ tự hết vào mùa hè, theo đài CNBC.
Trong một nghiên cứu khác, GS Marc Lipstich tại ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng sự lây nhiễm của dịch COVID-19 có thể diễn ra trong nhiều điều kiện thời tiết, kể cả lạnh hay nóng.
"Thời tiết [...] không nhất thiết dẫn đến việc số ca nhiễm giảm, nếu không có các biện pháp đề phòng cần thiết" - nghiên cứu của GS Lipstich cho biết.
Tính tới 15 giờ 15 ngày 8-3, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 105.557, với 3.597 ca tử vong, theo báo South China Morning Post.