Tình hình dịch COVID-19 tính đến trưa 8-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 13 giờ 40 ngày 8-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 3.597 (tăng 37 ca so với sáng cùng ngày). Tổng số ca nhiễm toàn cầu là 105.024. Toàn cầu có 56.903 ca chữa khỏi.

Số liệu thống kê COVID-19 của SCMP.

Trong đó, Trung Quốc có 80.695 ca nhiễm và 3.097 ca tử vong.

Có 500 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Trong đó, Ý cao nhất với 233 ca, Iran 145 ca, Hàn Quốc 50 ca, Mỹ 19 ca, Pháp 16 ca, Nhật 13 ca, Tây Ban Nha tám ca, Úc ba ca, Anh hai ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Thụy Sĩ một ca, Hà Lan một ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Philippines một ca, San Marino một ca, Argentina một ca, Iraq hai ca.

Riêng tại Việt Nam, tính đến sáng 8-3 có 21 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã được chữa khỏi và xuất viện.

Sập khách sạn cách ly COVID-19 tại Trung Quốc: 4 người chết, 30 người mắc kẹt

Cơ quan khẩn cấp Trung Quốc cho biết ít nhất bốn người thiệt mạng sau khi khách sạn 5 tầng Xinjia ở quận Lịch Thành, TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) bị sập tối 7-3. Theo SCMP, lúc xảy ra tai nạn có khoảng 70 người bên trong tòa nhà. Khách sạn Xinjia gần đây đã được chuyển thành cơ sở cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Lực lượng cứu hộ giải cứu một người đàn ông mắc kẹt trong tòa nhà khách sạn Xinjia. Ảnh: SCMP

Lực lượng cứu hộ ở đông nam Trung Quốc đã làm việc xuyên đêm để tìm kiếm người mắc kẹt trong đống nổ nát. Đến 10 giờ 30 sáng 8-3 (giờ địa phương), đã có 38 người được giải cứu, trong đó có một người trong tình trạng nguy kịch và bốn người bị thương nặng.

Hàng trăm lính cứu hỏa và nhân viên y tế đã được huy động tới hiện trường và gần 30 người vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát.

Tân Hoa xã cho biết cảnh sát đã bắt giữ chủ khách sạn để điều tra, nói thêm rằng vào lúc xảy ra sự cố, khách sạn đang được trang hoàng, trong đó có tân trang hai siêu thị ở tầng một của tòa nhà.

Ca nhiễm, tử vong tại Trung Quốc tiếp tục giảm

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến cuối ngày 7-3, Trung Quốc ghi nhận thêm 44 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm so với 99 ca mới của hôm 6-3. Hầu hết ca nhiễm mới đều ở Hồ Bắc - tâm điểm của dịch bệnh. Số ca nhiễm mới nâng số ca nhiễm tại nước này lên 80.695.

Ngoài ra, NHC cũng ghi nhận 27 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.097. Tất cả ca tử vong mới đều thuộc tâm dịch Hồ Bắc.

Hàn Quốc: Sự gia tăng ca nhiễm chậm lại

Hàn Quốc tính đến sáng 8-3 ghi nhận 367 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 7.134. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng ca nhiễm chậm tới mức thấp nhất trong hơn 10 ngày.

367 ca nhiễm mới đánh dấu mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 26-2 và là lần đầu tiên trong 11 ngày có số ca nhiễm mới dưới 400, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).

Một cặp đôi đeo khẩu trang lái xe đạp đôi quanh một công viên ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Trong 367 ca nhiễm mới, có 294 ca tại Daegu - TP lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, nằm cách thủ đô Seoul 300 km. Hiện Daegu có 5.378 ca nhiễm. Khoảng 60% ca nhiễm tại dây có liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji).

Thị trưởng TP Daegu - ông Kwon Young-jin cho biết số ca nhiễm mới là dấu hiệu cho thấy sự lây lan của virus đang chậm lại. Ông lưu ý số ca nhiễm mới ở Daegu đã giảm xuống dưới 300 lần đầu tiên kể từ ngày 29-2.

“Sự gia tăng ca nhiễm đang có dấu hiệu chậm lại” - ông Kwon nói tại một buổi họp báo.

Đến nay, Hàn Quốc có 50 người, phần lớn là những người mắc các bệnh nền đã tử vong vì COVID-19.

Ý cách ly 16 triệu người tới ngày 3-4

Ý sáng 8-3 thông báo một biện pháp cách ly nghiêm ngặt chưa từng có ở phía bắc vùng Lombardy và các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng khác. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 16 triệu người, chiếm một phần tư dân số Ý.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng không ai được phép đến hoặc rời khỏi Lombardy cũng như 10 khu vực khác cho tới ngày 3-4, trừ những trường hợp khẩn cấp.

Người dân đi mua thực phẩm và đồ dùng cần thiết tại một siêu thị ở Milan, Ý. Ảnh: AFP

“Chúng tôi muốn bảo vệ sức khỏe cho tất cả công dân. Chúng tôi hiểu rằng điều này sẽ tạo ra sự khó chịu nhưng đây là lúc phải tự chịu trách nhiệm. Chúng ta không nên chống lại hay né tránh những biện pháp này. Chúng ta phải nghĩ về việc bảo vệ sức khỏe cho chúng ta, sức khỏe của những người thân yêu, sức khỏe của cha mẹ chúng ta” - ông Conte nói tại một buổi họp báo ở Rome.

Số ca tử vong mới do COVID-19 tại Ý trong ngày 7-3 là 36, nâng tổng số ca tử vong tại nước này tính tới thời điểm hiện tại là 233 ca - cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Trong khi đó, số ca nhiễm được ghi nhận tăng 1.247 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Ý lên 5.883 ca.

Tất cả 22 khu vực của Ý hiện đã báo cáo ca nhiễm COVID-19.

Mỹ Latin có ca tử vong COVID-19 đầu tiên

Một người đàn ông 64 tuổi chết ở Argentina do nhiễm COVID-19. Đây là ca tử vong đầu tiên liên quan tới dịch bệnh này ở Mỹ Latin. Người này sống ở thủ đô Buenos Aires và bị xác nhận nhiễm COVID-19 sau khi có các triệu chứng ho, sốt, đau họng sau một chuyến đi gần đây tới châu Âu, Bộ Y tế Argentina cho biết.

Bệnh nhân bị suy thận, tiểu đường, huyết áp cao và viêm phế quản trước khi bị nhiễm COVID-19. Ông đã được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt sau khi nhập viện hôm 4-3. Hiện nhà chức trách đang xác định người này đã tiếp xúc với những ai.

Peru thông báo năm ca nhiễm mới hôm 7-3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 6. Paraguay ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, còn Chile cho hay nước này đã có bảy ca nhiễm.

Mexico, Brazil, Ecuador, Colombia và Costa Rica cũng đã thông báo có ca nhiễm COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm