Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ 10 phút ngày 8-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 3.560 (tăng 54 ca so với số liệu tối 7-3). Tổng số ca nhiễm là 104.858. Có 56.903 ca được chữa khỏi.
Bảng thống kê số liệu COVID-19 của SCMP.
Trong đó, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 80.651 và 3.070.
Có 490 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Cụ thể, Ý cao nhất với 233 ca, Iran 145 ca, Hàn Quốc 42 ca, Nhật Bản 13 ca, Pháp 16 ca, Tây Ban Nha tám ca, Mỹ 19 ca, Anh hai ca, Hà Lan một ca, Thụy Sĩ một ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Iraq hai ca, Philippines một ca, San Marino một ca.
Nữ nghị sĩ Iran chết vì nhiễm COVID-19
Nữ nghị sĩ mới đắc cử Fatemeh Rahbar của Iran tử vong sau khi nhiễm COVID-19, hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin ngày 7-3. Bà là nghị sĩ thứ hai của Iran chết vì dịch COVID-19.
Bà Fatemeh Rahbar, nhà lập pháp bảo thủ từ Tehran, hôm 6-3 rơi vào tình trạng nguy kịch và phải dùng đến máy thở khi sức khỏe chuyển biến xấu do nhiễm COVID-19. Bà sau đó qua đời vào cùng ngày.Tasnim không cho biết liệu bà có nằm trong 124 ca tử vong do COVID-19 mà nước này công bố hôm 6-3 hay không.
Bà Rahbar từng là nghị sĩ từ năm 2004 đến 2016, và gần đây tái đắc cử vào Quốc hội Iran. Bà là nữ chính trị gia Iran đầu tiên tử vong vì COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang tại Tehran (Iran). Ảnh: NYTIMES
Theo hãng Reuters, cái chết của bà Rahbar được cho là một dấu hiệu khác cho thấy dịch COVID-19 đang lan rộng trong các cơ quan nhà nước Iran. Iran hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19, sau Trung Quốc.
Trước đó, nghị sĩ Mohammad Ali Ramazani Dastak - đại biểu của TP Astana Ashrafieh cũng tử vong vì COVID-19 hồi cuối tháng 2.
Hôm 2-3, ông Mohammad Mirmohammadi, 71 tuổi, thành viên hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran, cũng tử vong sau khi nhiễm virus này.
Hôm 6-3, ông Hossein Sheikholeslam - cựu đại sứ Iran tại Syria và là cựu cố vấn cho Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã tử vong do COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran - ông Iraj Harirchi và một thành viên khác của Quốc hội - ông Mahmoud Sadeghi nói rằng họ đã nhiễm COVID-19.
Bộ Y tế Iran ngày 7-3 ghi nhận thêm 21 ca tử vong và 1.076 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 145 và ca nhiễm mới lên 5.823.
"Hơn 16.000 người đã nhập viện do nghi nhiễm" - người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianoush Jahanpour, cho biết trong buổi họp báo được phát sóng trên truyền hình ngày 7-3. Ông nói thêm 1.669 bệnh nhân đã hồi phục.
Iran hiện là quốc gia có số ca tử vong lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc đại lục và Ý. Thủ đô Tehran là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.539 ca được xác nhận, dù tình hình đang tồi tệ hơn ở các tỉnh phía bắc. Hơn 300 trường hợp được báo cáo ở tỉnh Mazandaran, điểm du lịch hàng đầu ở phía bắc Tehran.
Ý: Số ca nhiễm tăng kỷ lục kể từ đầu dịch
Theo SCMP, số ca tử vong do COVID-19 tại Ý trong ngày 7-3 tăng 36, nâng tổng số ca tử vong tại nước này tính tới thời điểm hiện tại là 233 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm được ghi nhận tăng 1.247 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Ý lên 5.883 ca. Đây là số ca nhiễm tăng kỷ lục trong một ngày tại Ý kể từ đầu dịch.
Du khách đeo khẩu trang tại Đấu trường La Mã ở Rome (Ý). Ảnh: SCMP
Các số liệu chính thức cho biết số người đang được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện tăng lên 567 so với 462 hôm 6-3.
Tất cả 22 khu vực của Ý hiện đã báo cáo ca nhiễm COVID-19. Dịch vụ bảo vệ dân sự Ý tiết lộ rằng vùng Lombardy ở phía bắc quanh Milan - nơi có hơn nửa số ca nhiễm đã bắt đầu thiếu giường bệnh trong các bệnh viện.
Theo đài Al Jazeera, ông Nicola Zingaretti - lãnh đạo đảng Dân chủ của Ý cho hay ông đã nhiễm COVID-19.
"Tôi cũng đã nhiễm virus Corona chủng mới" - ông Zingaretti nói trong một video đăng trên Facebook.
Chính trị gia 54 tuổi cho biết bản thân khỏe mạnh, đang tự cách ly tại nhà và tất cả những người tiếp xúc với ông trong những ngày gần đây đã được kiểm tra.
Ý là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở châu Âu với tổng số 4.636 ca nhiễm và 197 ca tử vong tính tới ngày 6-3.
Sập khách sạn cách ly COVID-19 ở Trung Quốc: Khoảng 30 người còn mắc kẹt
Theo SCMP, giới chức TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc, cho biết khách sạn 5 tầng Xinjia ở quận Lịch Thành bị sập lúc 19 giờ 30 ngày 7-3 (giờ địa phương). Khách sạn Xinjia gần đây đã được chuyển thành cơ sở cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Vào thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 70 người trong tòa nhà. Khoảng bốn giờ sau vụ sập, giới chức Tuyền Châu cho biết có 38 trong số 70 người đã được giải cứu.
Hiện trường vụ sập khách sạn Xinjia dùng cách ly COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Khách sạn Xinjia là một trong hai điểm kiểm dịch trong quận Lịch Thành. Giới chức quận Lịch Thành cho biết có khoảng 70 người trong tòa nhà vào thời điểm sự cố xảy ra. Một người đàn ông sống gần hiện trường cho biết có thể một vụ nổ đã xảy ra.
Video được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải cho thấy lực lượng cứu hộ đang làm việc tại đống đổ nát ở hiện trường. Hơn 147 lính cứu hỏa và 26 phương tiện đã được điều tới hiện trường.
Bộ Quản lý Phản ứng Khẩn cấp đã cử một đội đến hiện trường. Huang Ming, bí thư đảng ủy của Bộ Quản lý Phản ứng Khẩn cấp, đang giám sát nhiệm vụ cứu hộ từ Bắc Kinh.
Khánh sạn 80 phòng này được khánh thành hồi tháng 6-2018.
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo COVID-19 “có thể tăng 10 lần sau mỗi 19 ngày”
Số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần sau mỗi 19 ngày nếu không thực hiện biện pháp quyết liệt nào để ngăn chặn sự lây lan của nó, theo một nghiên cứu do một nhóm nhà khoa học Trung Quốc thực hiện.
Nếu điều đó xảy ra, số ca nhiễm trên toàn thế giới sẽ vượt qua con số được báo cáo ở Trung Quốc đại lục trong vòng vài tháng.
"Tình hình rất nguy hiểm, chúng tôi kêu gọi thế giới hành động quyết liệt vì sức khỏe cộng đồng, sử dụng kinh nghiệm từ Trung Quốc và Singapore" - các nhà nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu được công bố hôm 2-3 trên cổng thông tin khoa học sức khỏe Medrxiv.org do nhà di truyền học hàng đầu Trung Quốc Jin Li dẫn đầu và dựa trên dữ liệu được thu thập đến cuối tháng 2.
Nghiên cứu cũng tìm ra sự lây lan của virus bên ngoài Trung Quốc với 34 "mầm bệnh không được phát hiện".
Để lập sơ đồ sự lây nhiễm tiềm tàng của COVID-19, các nhà nghiên cứu sử dụng một mô hình tuyến tính đơn giản. Nhóm của ông Jin chọn kích thước mẫu có sẵn nhỏ, vì cho rằng các mô hình phức tạp có thể dẫn đến kết quả khó hiểu hoặc mâu thuẫn.
"Mô hình virus lây lan rất phức tạp nhưng khác nhau trên toàn thế giới. Mô hình đơn giản sẽ đơn giản hóa tình huống và mang đến đánh giá phương hướng ban đầu" - các nhà nghiên cứu cho hay.
Sau khi vận hành mô hình tại trung tâm điện toán của Đại học Phúc Đán, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng dịch có thể có nguồn gốc từ 34 mầm bệnh ban đầu. Chuyên gia Jin cho biết những "người mang mầm bệnh" này có thể không có triệu chứng và không đến bệnh viện. Họ nhiễm bệnh từ trước hoặc cùng thời điểm virus Corona chủng mới lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán. Người mang mầm bệnh đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc là một phụ nữ đi từ Vũ Hán đến Thái Lan. Cô được xác định nhiễm COVID-19 vào ngày 13-1.