Trong ngày 13-3, đã có 250 người tử vong vì dịch COVID-19 ở Ý, nâng tổng số người chết ở nước này lên 1.266 trường hợp, báo South China Morning Post đưa tin.
Theo số liệu chính thức của ngành y tế Ý, có tổng cộng 17.660 trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện ở nước này, tăng 2.547 trường hợp so với số liệu tối 12-3.
Hệ thống y tế Ý đang căng mình chống lại đại dịch COVID-19. Chính phủ đã ban hành lệnh phong tỏa cả đất nước và yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết.
Nhân viên y tế khử trùng ga tàu điện Stazione Centrale ở Milan, Ý. Ảnh: DPA
Tất cả các cửa hàng, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc, quầy báo và điểm bán thuốc lá đều bị đóng cửa.
Vatican không hài lòng với chính sách của Rome
Ngày 13-3, Đức Hồng y Angelo De Donatis đã đột ngột thay đổi quyết định và cho phép mở cửa trở lại các nhà thờ ở Rome.
Ngay ngày hôm trước, ông đã yêu cầu các nhà thờ đóng cửa. Tuy nhiên, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Công giáo đã chỉ trích "biện pháp quyết liệt" này.
Đức Giáo hoàng cũng bày tỏ không hài lòng với yêu cầu đóng cửa các cơ sở tôn giáo cho bến ngày 3-4 của chính quyền Ý. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ thể hiện "trách nhiệm" và "hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Trung Quốc cử chuyên gia sang hỗ trợ
Ngày 13-3, một nhóm gồm chín chuyên gia y tế của Trung Quốc đã đến thủ đô Rome để hỗ trợ Ý đối phó với dịch COVID-19. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng gửi theo hơn 30 tấn vật tư y tế hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ Ý.
"Trong thời điểm căng thẳng, trong khó khăn lớn này, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nguồn vật phẩm này đến đây. Đúng là nó chỉ giúp ích tạm thời nhưng nó vẫn quan trọng", người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Ý, ông Francesco Rocca nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Ý, ông Lý Quân Hoa cho biết nhóm chuyên gia là những người đã trực tiếp dập dịch tại Vũ Hán và họ đang mang sang Ý những kiến thức chuyên môn phù hợp nhất với tình hình dịch ở quốc gia Nam Âu này.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ của Ý trong lúc khó khăn nhất của dịch bệnh trong nước, giờ đây họ chỉ đang đền đáp sự giúp đỡ quý báu đó.
Các nước châu Âu không thể giúp
Ý đã ngỏ ý đề nghị sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các nước này cũng phải vật lộn để khống chế dịch bệnh trong nước.
Tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà đang tiến hành "tất cả các bước đi cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ các thiết bị bảo hộ trên toàn châu Âu.
Tuần trước, Đức và Pháp đã thông báo rằng họ không thể xuất khẩu các trang thiết bị y tế, bao gồm cả khẩu trang. Bản thân Pháp cũng phải huy động toàn bộ nguồn lực để sản xuất khẩu trang dùng trong nước.
"Sẽ là không hay nếu các quốc gia thành viên hành động đơn phương vì nó luôn gây ra tác động dây chuyền và ngăn những bệnh nhân, bệnh viện và nhân viên y tế tiếp cận được trang bị khẩn cấp cần thiết", bà von dẻ Leyen nói.
Bà cho biết sau khi liên lạc với lãnh đạo Pháp và Đức, các nước này đã "sẵn lòng" dùng các biện pháp như Ủy ban châu Âu đề xuất, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Hầu hết các quốc gia châu Âu (trừ Montenegro) đều đã phát hiện ca nhiễm COVID-19. Có tổng cộng hơn 34.900 người nhiễm bệnh và 1.520 trường hợp tử vong ở châu Âu. Ý, Tây Ban Nha và Pháp là ba nước có số ca tử vong cao nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố châu Âu là ổ dịch mới của đại dịch toàn cầu này khi số ca nhiễm mới đã lớn hơn số liệu ghi nhận được ở Trung Quốc trong đỉnh dịch.