Ngày 13-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá châu Âu đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, thay vì Trung Quốc, theo trang tin Channel News Asia.
Ông Tedros phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng mỗi ngày số ca nhiễm được báo cáo ở châu Âu lớn hơn số được báo cáo ở Trung Quốc vào lúc đỉnh điểm của dịch bệnh.
Theo ông, châu Âu đang có "nhiều ca nhiễm và ca tử vong hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, không tính Trung Quốc".
Dòng chữ "Hãy rửa tay" vẽ trên tường ở thủ đô Dublin (Ireland). Ảnh: AFP
Do đó, ông cho rằng các quốc gia châu Âu cần hợp tác chống dịch COVID-19 theo một "cách tiếp cận toàn diện".
Ông Tedros khuyến cáo các nước châu Âu "đừng xét nghiệm một mình, đừng truy tìm nguồn bệnh một mình, đừng cách ly một mình, đừng cách ly xã hội một mình".
"Bạn không thể chống lại virus nếu bạn không biết nó ở đâu", ông Tedros giải thích. Ông cũng kêu gọi các nước "tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và điều trị từng ca bệnh để phá vỡ chuỗi lây nhiễm".
"Bất kỳ nước nào nhìn vào kinh nghiệm của các nước khác có dịch bệnh lớn và nghĩ rằng "điều đó sẽ không xảy ra với mình" là nước đó đang mắc phải một sai lầm chết người", ông Tedros nhấn mạnh.
Ông Michael Ryan - Giám đốc chương trình phản ứng khẩn cấp của WHO cho rằng các lệnh cấm tụ tập đông người "không phải là thuốc chữa bách bệnh", dù rằng nó có thể có "tác động tích cực".
Theo ông, điều quan trọng nhất là hành động: "Sai lầm nghiêm trọng nhất là không hành động. Sai lầm nghiêm trọng nhất là bị nỗi sợ làm cho tê liệt".
Bà Maria Van Kerkhove - lãnh đạo nhóm chuyên gia kỹ thuật của WHO hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng đi qua đỉnh dịch, song cho biết "không thể nói rằng khi nào sẽ là đỉnh dịch trên toàn cầu".
Hầu hết các quốc gia châu Âu (trừ Montenegro) đều đã phát hiện ca nhiễm COVID-19. Có tổng cộng hơn 34.900 người nhiễm bệnh và 1.520 trường hợp tử vong ở châu Âu.
Ở Ý, số ca tử vong trong vòng 24 đã vượt qua con số 250 người. Đến chiều ngày 13-3, Ý đã có 1.266 người chết vì COVID-19 trong tổng số 17.660 ca nhiễm đã được phát hiện.
Tây Ban Nha - ổ dịch lớn thứ hai châu Âu - cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm ở nước này có thể lên tới 10.000 trong tuần tới. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày.
Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Síp là các quốc gia tiếp theo chuẩn bị áp dụng biện pháp phong tỏa biên giới như một biện pháp chống dịch COVID-19.