Báo South China Morning Post (SCMP) thống kê đến 7 giờ 30 phút ngày 14-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (dịch COVID-19) gây ra là 5.373. Tổng số ca nhiễm là 140.730. Trên toàn thế giới có 70.361 ca chữa khỏi.
Trung Quốc có 80.813 ca nhiễm bệnh và 3.176 người đã tử vong. Đáng chú ý, trong ngày 12-3, nước này chỉ phát hiện 15 ca nhiễm mới.
Số ca tử vong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã lên tới con số 2.197, trong đó Ý có 1.266 trường hợp, chiếm gần 60% số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc.
Không tính đến ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp tử vong, trong đó nhiều nhất là Ý (1.266 trường hợp), Iran (514 trường hợp), Tây Ban Nha (120 trường hợp), Pháp (79 trường hợp), Hàn Quốc (67 trường hợp) và Mỹ (41 trường hợp).
Số liệu về dịch COVID-19 của SCMP
Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 47 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 16 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và được xuất viện.
Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Chiều 13-3 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép thêm 50 tỉ USD được bổ sung trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đài CNN đưa tin.
"Để mở đường cho quyền lực đầy đủ của chính quyền liên bang trong nỗ lực lần này, hôm nay tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia", ông Trump nói trong bài phát biểu từ Nhà Trắng.
Ông nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp là vô cùng quan trọng và nhận định tình hình dịch tại Mỹ có thể xấu đi trong khi "tám tuần tới mang tính quyết định" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Mỹ.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm hợp tác công-tư để sản xuất thêm các bộ kíp xét nghiệm, công bố cổng thông tin trực tuyến, không tính lãi các khoản vay cho sinh viên, tăng nguồn dữ trự dầu chiến lược...
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 13-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Đáng chú ý, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm đã ban hành nhiều chính sách gây cản trở cho quá trình sản xuất các bộ kíp xét nghiệm dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung.
Châu Âu trở thành tâm dịch của thế giới
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thay vì Trung Quốc, châu Âu đã trở thành tâm dịch mới của đại dịch toàn cầu COVID-19, theo Al Jazeera.
Ông Tedros phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng mỗi ngày, các ca nhiễm được báo cáo ở châu Âu hơn số lượng được báo cáo ở Trung Quốc vào lúc đỉnh điểm của dịch bệnh.
Ông còn cho biết châu Âu đang có "nhiều ca nhiễm và ca tử vong hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, không tính Trung Quốc".
Ở Ý, số ca tử vong trong vòng 24 đã vượt qua con số 250 người. Đến chiều 13-3, Ý đã có 1.266 người chết vì COVID-19 trong tổng số 17.660 ca nhiễm đã được phát hiện.
Tây Ban Nha - ổ dịch lớn thứ hai châu Âu - cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm ở nước này có thể lên tới 10.000 trong tuần tới. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày.
Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Síp là các quốc gia tiếp theo chuẩn bị áp dụng biện pháp phong tỏa biên giới như một biện pháp chống dịch COVID-19.
Tin đồn nguyên thủ quốc gia đầu tiên nhiễm bệnh
Chiều 13-3 (giờ Anh), truyền thông Anh đưa tin Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xét nghiệm dương tính với virus gây dịch COVID-19. Ngay sau đó, ông Bolsonaro phải đính chính và khẳng định mình không hề nhiễm bệnh, theo hãng tin RT.
Trước đó, trợ lý riêng của Tổng thống Brazil là ông Fabio Wajngarten trước đó xác nhận đã bị nhiễm virus.
Thông tin ban đầu đã dấy lên lo ngại về nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị lây nhiễm. Hôm 7-3, ông Bolsonaro đã ăn tối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai lãnh đạo có bắt tay nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ông Bolsonaro và trợ lý Wajngarten cùng ngày cũng đến Nhà Trắng để gặp một số quan chức Mỹ khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chụp hình chung với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro hôm 7-3. Ảnh: AFP
Trong ngày 13-3, quốc gia láng giềng của Brazil là Venezuela cũng phát hiện hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Đó là một công dân Mỹ và một công dân Anh nhập cảnh vào nước này, theo Al Jazeera.
Trước đó, đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Trung-Nam Mỹ và Caribbe phát hiện ca nhiễm COVID-19, tổng cộng có hơn 140 ca nhiễm và có ba người đã tử vong.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc sang hỗ trợ châu Âu
Một chuyến bay Trung Quốc chở vật tư y tế, bao gồm khẩu trang và thiết bị hỗ trợ hô hấp, đã đến Ý để giúp đỡ quốc gia Nam Âu này đối phó với dịch COVID-19, hãng tin Al Jazeera ngày 14-3 cho hay.
Dịch bệnh đã khiến các bệnh viện ở Ý quá tải và một số hàng hóa thiết yếu cũng đang gặp vấn đề về nguồn cung.
Theo Al Jazeera, trong khi Trung Quốc hỗ trợ, các quốc gia châu Âu đã từ chối đề nghị hỗ trợ về vật tư y tế vì bản thân các nước này cũng gặp phải vấn đề dịch bệnh trong nước.
"Trong thời điểm căng thẳng, trong khó khăn lớn này, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nguồn vật phẩm này đến đây. Đúng là nó chỉ giúp ích tạm thời nhưng nó vẫn quan trọng", người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Ý, ông Francesco Rocca nói.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh thông báo trên Twitter rằng số hàng hóa đã đến Bỉ ngày 11-3 và số hàng hóa này sẽ được gởi tới Ý và Tây Ban Nha.