Crimea không đàm phán với Kiev

Ngày 9-3, nước cộng hòa tự trị Crimea (thuộc Ukraine) đã tuyên bố bác bỏ khả năng đàm phán với chính phủ tạm quyền ở Kiev.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Crimea cho hay chính phủ tạm quyền ở Kiev là không hợp pháp bởi đã dùng súng đạn và dao găm để tạo quyền lực; Crimea chỉ chấp nhận đàm phán với một chính phủ hợp pháp.

Về việc Crimea sáp nhập vào Nga, người phát ngôn nói nếu quyết định sáp nhập vào Nga được nhất trí qua trưng cầu dân ý vào ngày 16-3 tới, quá trình sáp nhập sẽ hoàn tất trong vòng một tháng.

Trong khi đó, báo chí phương Tây ghi nhận Nga đang nỗ lực gia tăng hoạt động quân sự tại Crimea. Vì lẽ đó, Ba Lan đã sơ tán lãnh sự quán tại Sevastopol.

Báo Daily Mail (Anh) tường thuật đêm 8-3 (giờ địa phương), lực lượng Nga đã bắn ít nhất ba phát súng cảnh báo đoàn xe chở 54 quan sát viên quốc tế (29 nước) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nhằm ngăn chặn nhóm này tiến vào Crimea. Rất may không ai bị thương.

 
Đoàn xe chở quân tiến vào Simferopol (thủ phủ Crimea) đêm 8-3. Ảnh: REUTERS

Phái đoàn quan sát viên buộc phải trở lui. Các sĩ quan chỉ huy ở trạm kiểm soát trên đường chính dẫn vào Crimea cho rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu không có thẩm quyền vào khu vực này.

Như vậy đây là ngày thứ ba liên tiếp phái đoàn quan sát viên quốc tế vẫn chưa thể vào Crimea.

Cùng ngày, một máy bay giám sát nhỏ của lực lượng biên phòng Ukraine bay trên khu vực biên giới Crimea ở độ cao 1.000 m cũng bị bắn cảnh cáo. Ba người trên máy bay vô sự.

Đáng lưu ý là tối 8-3, lực lượng Nga đã gài mìn gần trạm kiểm soát lối vào Crimea ở gần làng Chongar và Nikolaeka.

Trong khi đó, phóng viên hãng tin Reuters đã chụp được hình ảnh đoàn xe chở hàng trăm binh sĩ Nga tiến vào căn cứ quân sự ở Simferopol (thủ phủ Crimea) vào đêm 8-3.

Đoàn xe 67 chiếc gồm xe tải, xe bọc thép (tám chiếc), xe cứu thương, xe chở nhiên liệu và cả nhà bếp di động. Tháp tùng đoàn xe là hàng trăm binh sĩ trang bị vũ khí hạng nặng.

Cũng theo Reuters, cùng lúc đó một toán binh sĩ Nga đi xe tải tiến vào trạm phòng thủ tên lửa ở Sevastopol và kiểm soát khu vực này. Tại căn cứ hải quân Ukraine ở Novoozernoye, 100 binh sĩ có vũ trang của Nga đang giám sát chặt chẽ khu vực này.

Trên bình diện quốc tế, báo The Independent (Anh) đưa tin hôm 9-3, Công đảng đã kêu gọi Thủ tướng David Cameron gia tăng lệnh trừng phạt đối với Nga. Công đảng nhận định các biện pháp trừng phạt của Anh và Liên minh châu Âu hiện nay còn yếu đuối, chưa đủ gây sức ép với Nga.

Công đảng kêu gọi Anh và các đối tác châu Âu đưa ra các biện pháp khẩn cấp thúc ép Nga rút quân khỏi Crimea và trì hoãn đàm phán gia nhập Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế với Nga đồng thời loại Nga ra khỏi nhóm G8.

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét lệnh cấm Mỹ giám sát vũ khí hạt nhân của Nga theo hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí chiến lược. Hiệp ước này quy định về thỏa thuận giám sát kho vũ khí hạt nhân lẫn nhau đến giữa năm 2021.

DUY KHANG - TNL

Hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nhận định Mỹ đang áp dụng chính sách “bên trọng bên khinh”. Tháng 7-2009, Mỹ đã trao cho Tòa án hình sự quốc tế văn bản nhận định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ không ngăn cản các thực thể phi nhà nước tuyên bố độc lập một cách hòa bình. Quy chiếu theo đó, tòa án đã công nhận tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo (tách rời khỏi Serbia) là hợp pháp. Hiện nay đối với tình hình Crimea, Mỹ lại đưa ra quan điểm khác hẳn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm