Cuộc đua vaccine Ebola bắt đầu

Đài phát thanh Canada đưa tin ngày 20-10, Canada bắt đầu gửi 800 lọ vaccine ngừa Ebola cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Genève (Thụy Sĩ). WHO sẽ chịu trách nhiệm phân phối và quy định cách thức sử dụng vaccine.

Để tránh tình trạng bảo quản không đúng quy chuẩn, Canada gửi vaccine làm ba đợt. Bệnh viện tại Genève phải đặt hàng tủ lạnh loại đặc biệt để bảo quản vaccine ở nhiệt độ chuẩn -80oC.

Hiện chính phủ Canada (với vaccine VSV-EBOV) và hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh (với vaccine cAd3-ZEBOV) đang chạy đua với mong muốn đưa ra thị trường vaccine ngừa Ebola đầu tiên trên thế giới.

Đài truyền hình France 24 (Pháp) cho biết vaccine VSV-EBOV do Cục Y tế công Canada phát triển. Các bác sĩ Heinz Feldmann, Steven Jones, Ute Stroeher và Tom Geisbert cùng với chính phủ đã bắt đầu nghiên cứu vaccine này cách đây 10 năm.

Chính phủ Canada sẽ giữ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và đã cấp giấy phép phân phối vaccine cho Công ty NewLink Genetics của Mỹ.

Ngày 16-10, hành khách đến từ Sierra Leone phải qua xét nghiệm ở sân bay quốc tế Chicago (Mỹ). Ảnh: AP

Vaccine Canada gửi cho WHO thực ra vẫn là loại vaccine đang thử nghiệm vì đầu tháng 10, Canada mới bắt đầu thử nghiệm vaccine nơi người ở Mỹ. Kết quả thử nghiệm sẽ được biết vào tháng 12.

Nếu kết quả khả quan, giai đoạn hai sẽ chú trọng thử nghiệm vaccine ở phạm vi rộng hơn tại các nước có dịch.

Vaccine cAd3-ZEBOV của hãng GlaxoSmithKline sử dụng adenovirus của tinh tinh (vô hại với con người) có cài một gien không nhiễm bệnh của virus Ebola.

Sau khi thử nghiệm thành công với khỉ, giai đoạn đầu thử nghiệm nơi người đã bắt đầu hồi đầu tháng 10 với vài chục người ở Mỹ và Anh. Đến cuối năm nay kết quả thử nghiệm mới được công bố.

Kế đến là giai đoạn thử nghiệm nơi 80 người tình nguyện ở Mali và Gambia.

GlaxoSmithKline hy vọng sẽ có gần 20.000 liều để thử nghiệm vào đầu năm 2015.

Trả lời hãng tin BBC ngày 17-10, bác sĩ Ripley Ballou, Giám đốc chương trình nghiên cứu vaccine Ebola của GlaxoSmithKline, nhận định không thể có kết quả thử nghiệm về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine trước cuối năm 2015.

Dự kiến giai đoạn hai thử nghiệm của hai loại vaccine kể trên bắt đầu vào tháng 1 hoặc tháng 2-2015. Nếu diễn tiến thuận lợi thì vaccine cũng khó có mặt trên thị trường trước năm 2016.

Thông thường quá trình đưa vaccine ra thị trường mất từ bảy đến 10 năm. Đối với Ebola thì còn mất thời gian hơn vì độc lực của virus quá mạnh. Các phòng nghiên cứu phải trang bị trang thiết bị bảo đảm an toàn tuyệt đối, như vậy sẽ tốn kém hơn. Chưa kể thiếu người tình nguyện thử vaccine.

Vì lý do đó, trong giới khoa học đã có nhiều ý kiến lo ngại tình trạng bỏ qua quy chuẩn trong thử nghiệm lâm sàng.

Đài Tiếng nói Nga đưa tin hôm 11-10, Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết trong sáu tháng Nga có thể cung cấp đến ba loại vaccine Ebola và một loại vaccine đã sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng.

GS Alexander Butenko ở Viện nghiên cứu virus học Ivanovsky (Nga) nhận định virus Ebola đột biến rất nhanh, đến nay sáu dòng virus đã phát sinh hơn 300 biến thể. Chính vì vậy, nghiên cứu một loại vaccine ngừa hết các biến thể là điều rất khó.

Từ ngày 19-10, hành khách từ tất cả các nước châu Phi đến Israel đều phải chịu kiểm tra thân nhiệt ở sân bay và sẽ được hỏi han kỹ lưỡng hơn. Israel là nước phương Tây đầu tiên áp dụng biện pháp này. Ngoài ra, mọi hành khách đều phải khai báo có đến châu Phi trong 21 ngày qua hay không.

Nghe hãng GlaxoSmithKline khẳng định có vaccine Ebola trễ thì thật thất vọng. Cần phải gia tăng nỗ lực hơn nữa vì vaccine rất quan trọng để tiêu diệt Ebola cũng như ngăn chặn và kiểm soát Ebola trong tương lai. Không ai biết dịch sẽ kéo dài bao lâu. Các bệnh nhân của chúng tôi, những người làm việc trên tuyến đầu và nhân dân Tây Phi không thể chờ vì quá trễ rồi.

BS MANICA BALASEGARAM
(tổ chức Thầy thuốc không biên giới)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm