Phát biểu tại một hội thảo do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) tổ chức hôm 25-8, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang xuống cấp nguy trọng với cường độ leo thang tăng dần, theo tờ South China Morning Post.
"Tình thế đang rất nguy hiểm và chúng ta cần nhận thức rõ điều này. Những vấn đề như Đài Loan hay Hong Kong sẽ là mồi lửa làm bùng lên xung đột giữa hai bên nếu Washington và Bắc Kinh phạm phải bất kỳ sai lầm nào" - ông Zoellick nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp nhau tại thượng đỉnh G20 ở Nhật vào tháng 6-2019. Ảnh: REUTERS
Giải thích thêm về tác nhân gây ra căng thẳng, cựu Chủ tịch WB cho rằng chính Mỹ là bên đã châm ngòi trước khi kỳ vọng Trung Quốc sẽ gia nhập trật tự thế giới hiện hành dù biết rõ giữa nước này và phương Tây tồn tại nhiều khác biệt về ý thức hệ và hệ thống quản trị.
"Cần phải chấp nhận Trung Quốc và cách nước này hoạt động như thế nào ở hiện tại thay vì tìm cách thay đổi nước này theo tầm nhìn của chúng ta " - ông Zoellick cho hay.
Ông cũng phê bình các chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump quá cảm tính, quá cô lập nên không đạt hiệu quả cao. Thay vào đó, Washington nên tận dụng hệ thống đồng minh rộng khắp cùng các nhóm lợi ích có liên quan để hình thành thế trận xung quanh Trung Quốc để cùng nhau từng bước tạo sức ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ đối với các mâu thuẫn cần mâu thuẫn
"Vẫn còn cơ hội để cùng nhau thúc đẩy thay vì cứ phải ép nhau vào thế đối đầu như hiện nay. Đối với những người ủng hộ kiểu làm việc như vậy, tôi muốn hỏi thật là cứ đối đầu mãi thì sẽ được gì" - cựu Chủ tịch WB Robert Zoellick nói.
Dù vậy, giới quan sát đã lên tiếng phản đối ông Zoellick vì cho rằng đề xuất của ông là bất khả thi.
Theo chuyên gia Andrew Coflan thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) cho rằng phương Tây từ lâu đã đối thoại, đàm phán và chủ động liên lạc với Trung Quốc nhằm giải quyết các mâu thuẫn như tranh chấp về bản quyền trí tuệ hay việc Bắc Kinh buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi làm ăn ở nước này nhưng kết quả đến nay không khả quan.
"Không thể đổ hết trách nhiệm cho Mỹ là bên gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước được mà Trung Quốc cần phải hoạt động theo luật pháp quốc tế và lợi ích chung của thế giới" - ông Coflan nói.
Trong khi đó, học giả Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ còn lưu ý đề xuất của ông Zoellick trên thực tế đã mâu thuẫn với lập trường trước đây ông từng đưa ra.
Cụ thể, hồi năm 2015, ông từng tuyên bố trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nước này phải chứng tỏ mình là một cường quốc có trách nhiệm và nên nỗ lực cải cách xã hội theo mô hình của phương Tây.
"Có thể ông ấy đã thay đổi sau nhiều năm hoạt động và nhận thấy không thể lay chuyển được Trung Quốc" - học giả Cooper nhận xét.