Cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến: 'Tôi không vụ lợi, đây là tai nạn'

Chiều 10-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trả lời  luật sư, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tạm đình chỉ công tác) trần tình trước khi ký quyết định thì không quản lý SAGRI. Quá trình công tác, UBND TP.HCM có ban hành quy chế làm việc, phó chủ tịch làm việc theo phân công của chủ tịch và những trường hợp phải báo cáo chủ tịch. Ở cương vị phó chủ tịch xử lý công việc rất lớn, toàn quyền quyết định trừ những việc đặc thù không thể quyết nên phải báo cáo xin ý kiến chủ tịch và thường trực ủy ban.

Ông Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: N.NHI

Trong việc cho SAGRI chuyển nhượng dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 cũ, ông được chủ tịch phân công thì được ký thay. Quyết định ký chấp thuận là ký thay và đúng thể thức. Ông cũng giải thích thêm, trong thời gian ông Lê Văn Khoa nghỉ phép thì ông chủ tịch phân công xử lý công việc thay. Có công văn phân công, sau 2 lần phân công tạm tới lần 3 thì ông Khoa xin nghỉ việc.

Cũng theo bị cáo Tuyến, ban đầu không biết việc SAGRI chuyển nhượng đến khi văn phòng ủy ban trình hồ sơ thì mới biết. Cụ thể ngày 9-11-2017 nhận hồ sơ mới biết về việc chuyển nhượng. Việc chấp thuận là bước đầu của chủ trương để chuyển nhượng, thoái vốn, quyền sử dụng đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh sau khi có quyết định chấp thuận chuyển nhượng…
Bị cáo Tuyến cho rằng nếu thực hiện đúng thì không có sai nhưng quá trình thực hiện đã chủ quan, thiếu sót. Quá trình xét hỏi bị cáo đã trình bày cũng như lời khai của các bị cáo khác thì thấy bị cáo chưa làm hết trách nhiệm. Vì vậy ông Tuyến đề nghị xem xét lại vấn đề xác định hành vi của mình là nguyên nhân gây thiệt hại lớn.

Về việc đề nghị xem xét lại tội danh thì ông Tuyến cho rằng mình nhận mảng đô thị rất nhạy cảm, công việc áp lực, biết có nhiều rủi ro, tin tưởng cấp dưới, chưa bao giờ vụ lợi. Theo bị cáo Tuyến, đây là tai nạn nghề nghiệp mong tòa xem xét đánh giá.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn kêu oan. Ảnh: N.NHI

Còn bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng) tiếp tục đề nghị xem xét lại ba nội dung cáo trạng cho rằng sai phạm chính.

Cụ thể, dự án phải đấu giá mà theo ông trường hợp dự án này theo quy định pháp luật là không.

Thứ hai, dự án này đã đảm bảo các điều kiện chuyển nhượng theo luật không vi phạm nghĩa vụ tài chính.

Thứ ba, sự thật khách quan vụ án cho thấy SAGRI đã được UBND TP phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp 2013-2015 có nhiều nội dung trong đó phần quan trọng không kinh doanh bất động sản nên phải thực hiện theo Nghị định 91, tức là chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp. Và thời điểm nộp hồ sơ và họp hội đồng thẩm định thì Thủ tướng chưa ban hành Quyết định 707 về phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Tuấn, việc phê duyệt dự án giai đoạn này không làm thay đổi chức năng, ngành nghề của SAGRI nên họ vẫn thực hiện theo Nghị định 91.

Bị cáo Tuấn nhấn mạnh: việc chuyển nhượng dự án bất động sản khác với việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Cạnh đó, ông Tuấn cho rằng ban đầu có thừa nhận do nể nang nhưng không có việc sai phạm vì nể nang. Ông Tuấn đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này.

Bị cáo Lê Tấn Hùng. Ảnh: H.YẾN

Bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI) nói rằng cáo trạng cho rằng vì tư lợi thì đề nghị xem xét lại. Bị cáo Hùng dẫn trang 34 nói về tình trạng em của 1 lãnh đạo và khẳng định không có lợi dụng danh nghĩa. Đồng thời, ông không lợi dụng chức vụ để vụ lợi.
Ngược lại, VKS lại đánh giá bị cáo Tuyến, Tuấn có những lời khai mâu thuẫn với quá trình điều tra và cân nhắc để nhận được tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.
Đối đáp, ông Tuyến xác định khi ký quyết định là bị áp lực về tâm lý và thời gian. Cụ thể, hồ sơ trình đã dừng 5 ngày kiểm tra, thanh tra xác định không sai phạm thì không thể không ký, vì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu sai. Động cơ của bị cáo là không vụ lợi mà vì nể nang, nhưng không phải là biết sai mà vẫn ký. "Bị cáo không bỏ mặc hậu quả khi chủ động đề nghị thu hồi quyết định đã ký. Mất hết rồi chỉ còn danh dự nên bị cáo mong toà xem xét"- bị cáo Tuyến nói.

Còn bị cáo Tuấn nói biết việc thành khẩn là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng lời khai không đúng thì khai lại tại toà giúp bảo vệ mình nhưng không làm thay trắng đổi đen, không làm việc trái pháp luật, không vụ lợi.

Sau trình bày của hai ông, VKS công bố lại lời khai của họ trong giai đoạn điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm