Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã triệu tập ông Puigdemont cùng với 13 cựu quan chức khác của Catalonia về Tây Ban Nha đến phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 2 và 3-11 tới. Trong phiên tòa này, nhóm quan chức của chính quyền Catalonia bị cáo buộc tội chống chính quyền, xúi giục nổi loạn,…
Theo luật pháp Tây Ban Nha, thẩm phán sẽ có quyền quyết định cựu lãnh đạo Catalonia có bị tạm giam hay không, trong lúc chờ đợi một cuộc điều tra toàn diện của chính phủ. Nếu bị kết tội, cựu thủ hiến Catalonia có thể chịu mức án 30 năm tù.
Ông Pugdemont đã đến Bỉ sau khi chính phủ Madrid thông qua phương án tước quyền tự trị của Catalonia. Hiện vẫn chưa rõ ông có xuất hiện trong phiên tòa sắp tới theo lệnh triệu tập hay không.
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont trong cuộc họp báo ngày 31-10 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: REUTERS.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại ở Brussels, Bỉ ngày 31-10, ông Pugdemont khẳng định ông sẽ chỉ quay lại Tây Ban Nha khi có “sự đảm bảo” từ chính phủ trung ương Madrid với một số điều kiện. Cựu lãnh đạo Catalonia cũng cho biết ông không muốn tị nạn tại Bỉ.
Chính phủ Tây Ban Nha hồi cuối tuần trước cho biết ông Puigdemont vẫn có quyền được tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Catalonia vào ngày 21-12, vì việc xét xử của tòa án là một vấn đề riêng biệt.
Phát biểu từ Brussels, cựu lãnh đạo Catalonia cho biết ông chấp nhận tham gia vào cuộc bầu cử khu vực này, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cho độc lập của Catalonia. “Tôi yêu cầu người Catalonia chuẩn bị cho một con đường dài. Dân chủ sẽ là nền tảng cho chiến thắng của chúng ta” - ông Puigdemont tuyên bố.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha bắt đầu từ hôm 1-10 sau khi chính quyền khu tự trị Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập mà chính quyền Madrid khẳng định đây là động thái vi hiến.
Sau nhiều căng thẳng giữa hai bên, quốc hội Catalonia hồi cuối tuần trước bỏ phiếu thông qua tuyên bố độc lập chính thức khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một giờ sau tuyên bố trên, chính quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã kích hoạt điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha nhằm khôi phục quyền điều hành trực tiếp đối với Catalonia, bãi nhiệm các quan chức chính phủ của khu vực này và tổ chức một cuộc bầu cử mới vào tháng 12 tới.