Đã nghe đã thấy: Đặt mình vào vị trí của dân

Ngày 18-4, làm việc với trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu như vậy.

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Công an cho biết trên 70% khiếu kiện có liên quan đến đất đai và khiếu kiện đúng là nhiều, những vụ việc này khi không được giải quyết thỏa đáng dễ dẫn đến hệ lụy khó lường. Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói thẳng: “Có những vụ việc kéo dài đến cả 30 năm. Và có những đơn đã có kết luận, thậm chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng kết luận nhưng cấp dưới không thực hiện!”.

Phải chăng sự sĩ diện và muốn an toàn cho bản thân khiến những người có trách nhiệm sợ phải nhận cái sai của mình, muốn “hơn thua” với dân, sợ mất lòng chính quyền…? Bất luận thế nào, họ chắc chắn sẽ không hành xử như thế nếu vụ việc khiếu nại ấy là của bản thân, gia đình họ. Đó không chỉ là thiếu tinh thần trách nhiệm mà còn là sự vô cảm.

Đã có thời gian, nhiều tuyến phố quanh các trụ sở cơ quan trung ương có những người đi kiện vạ vật, họ đội nắng dầm sương tháng này qua năm khác trước cửa công đường. Khi những người đi kiện nghèo cùng ngồi lại với nhau, tâm lý đám đông và sự phẫn uất sẽ rất dễ bị kích động. Những hệ lụy khó lường mà vị đại diện Bộ Công an phát biểu trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng phải chăng là chỗ đó.

Việc thuyết phục người đi kiện trở về chỉ là phần ngọn, cái gốc là phải giải quyết khiếu nại đúng luật, hợp cả tình lẫn lý, phải đặt mình vào vị trí người dân như Phó Thủ tướng đã nói.

Năm 2000, trước thực trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, Chính phủ đã lập sáu đoàn công tác do sáu bộ trưởng dẫn đầu, thay mặt Thủ tướng về các địa phương để giải quyết. Tại Long An, nhiều người dân Mộc Hóa đã quỳ lạy kêu oan và xin trưởng đoàn - Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc hãy cách chức chủ tịch huyện. Sau khi xem xét, bộ trưởng đã kết luận và lãnh đạo tỉnh đã cách chức chủ tịch huyện này.

Nói về chuyện vô cảm, chậm trễ trong giải quyết khiếu nại, trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM vào tháng 9-2000, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói, đại ý: Cán bộ chính quyền không thể ngồi yên khi chung quanh còn nhiều uất ức, thậm chí bất bình của người dân.

Không đặt mình vào vị trí người khiếu kiện sẽ không cảm nhận hết nỗi khổ và sự oan ức để từ đó đem lại công lý cho dân; sẽ không thuyết phục được dân ngay cả khi họ khiếu kiện sai.

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm