Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: Muốn giám sát hiệu quả "phải xuống tận nhà, để nghe dân nói"

(PLO)- Trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị và Nghị quyết 98, hoạt động giám sát tại TP.HCM phải lọc được những nội dung sát sườn, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-7, HĐND TP.HCM và Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức toạ đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát.

Nếu hoạt động giám sát của HĐND mang tính quyền lực nhà nước thì với MTTQ lại thể hiện sự giám sát của người dân. Công tác giám sát tới đây phải đổi mới như thế nào, hai cơ quan cần phối hợp ra sao để chất lượng giám sát mang lại hiệu quả thực sự là điều được các đại biểu thảo luận.

Giám sát phải từ thực tế, không chỉ dựa vào báo cáo

Đại biểu Lê Minh Đức, Phó ban pháp chế HĐND TP.HCM, nêu ý kiến trong điều kiện TP.HCM đang thực hiện chính quyền đô thị và Nghị quyết 98, công tác giám sát cần phải thiết thực, đi vào hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Theo ông Đức, các cơ quan giám sát cần chủ động nắm bắt thông tin từ nhiều kênh, phản ánh của dư luận xã hội; đồng thời phải nắm chắc được hoạt động của các cơ quan mình theo dõi, giám sát. Công tác giám sát cũng cần linh hoạt, tuỳ vào đối tượng, nội dung mà có hình thức giám sát trực tiếp, gián tiếp hay qua chất vấn, đảm bảo giải quyết nhanh, hiệu quả những bức xúc của người dân.

Hiện, HĐND TP có 90 đại biểu nhưng chỉ có 19 đại biểu chuyên trách nên thời gian dành cho hoạt động giám sát có hạn chế nhất định. Vì vậy, ông Đức cho rằng việc mời chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm trong từng lĩnh vực để tham gia giám sát là rất cần thiết, điều này sẽ giúp cho công tác giám sát có chất lượng hơn.

Toạ đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Toạ đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban kinh tế- ngân sách HĐND TP cho rằng khi lựa chọn chủ đề giám sát cần đánh giá xem nội dung nào có tính thực tiễn cần quan tâm ngay tại thời điểm đó. Với những nội dung, công trình mà người dân quan tâm được báo chí phản ánh, tiếp nhận qua trang Fanpage của HĐND TP đều được xem xét để chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm.

Một điểm quan trọng, theo ông Hiếu là cần giám sát hiện trường, thực tế trước khi giám sát trên báo cáo. Vừa qua, HĐND TP.HCM đã có nhiều đợt giám sát các dự án trọng điểm. Ông Hiếu đơn cử câu chuyện giám sát về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân liên quan đến dự án Vành đai 3.

Đại biểu HĐND TP đã xuống tận nhà dân để nắm tâm tư, tình cảm, mong muốn của người dân xem thế nào sau đó mới làm việc với chính quyền. Việc này giúp cho kết quả giám sát đạt hiệu quả cao.

“Phải xuống thực tế, trực tiếp nghe người dân nói gì, xem điều kiện thực tế tại đó ra sao, hạ tầng kĩ thuật ở đó như thế nào, xem xem chung cư tái định cư cho người dân có chất lượng như thế nào thì sẽ chủ động hơn khi làm việc với cơ quan chức năng và kết quả giám sát sẽ hiệu quả hơn”- ông Hiếu cho hay.

Để công tác giám sát đạt hiệu quả cao hơn, rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, phải chủ động phối hợp với các các chủ thể có thẩm quyền giám sát để tránh trùng lắp nội dung…

Hoạt động giám sát của MTTQ chưa được coi trọng

Khác với hoạt động giám sát HĐND TP, giám sát của MTTQ lại không mang tính quyền lực. Các cơ quan, đơn vị thường không coi trọng giám sát của MTTQ. Đây là một trong những khó khăn của Mặt trận các cấp khi giám sát được các đại biểu nêu ra.

Bà Hoàng Thị Lợi, Phó ban tư vấn dân sự pháp luật MTTQ Việt Nam quận 1 chia sẻ câu chuyện, khi MTTQ thông báo sẽ có cuộc giám sát, một số đơn vị có vẻ thờ ơ; cũng có các đơn vị ngại khi có đoàn đến giám sát. Vì vậy, bà kiến nghị cần thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung những quy định về giám sát để người bị giám sát hoàn toàn vui vẻ, không có gì phải ngại ngần; phải làm cho họ hiểu giám sát không phải là moi móc mà để hoàn thiện các thiếu sót, khiếm khuyết.

Bà cũng kiến nghị thêm, với những kiến nghị thông qua hoạt động giám sát phải công khai, minh bạch cho người dân biết. Cùng đó, việc giám sát nên có sự phối hợp ở cấp TP và HĐND cùng MTTQ; bởi hiện nay giám sát của MTTQ không mang tính quyền lực nhà nước, không có tính chế tài nên nhiều cơ quan, cá nhân không coi trọng giám sát của MTTQ.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: Muốn giám sát hiệu quả "phải xuống tận nhà, để nghe dân nói" ảnh 2

Ông Cao Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận 4 cho rằng cần có quy trình tái giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Góp ý, ông Cao Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận 4 cho rằng, cần quan tâm đến khâu tái giám sát bởi có những kết luận trong quá trình giám sát không được các cơ quan thực hiện.

“Có cơ quan sau khi đoàn đã có kết luận giám sát thì 3-6 tháng sau vẫn chưa khắc phục kết quả”- ông Tuấn nói và đặt thêm vấn đề ai sẽ giám sát người ra kết luận giám sát, đôn đốc để các cơ quan thực hiện theo kết luận giám sát.

Nhiều đại biểu từ các cấp MTTQ quận, huyện tham gia toạ đàm cũng đưa nhiều ý kiến về việc hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, nhiều người đi giám sát nhưng còn nể nang, chưa dám nói thẳng, nói thật.

Khó khăn của cán bộ MTTQ cũng được nêu ra là họ bị trù dập rất nhiều. Nhiều cơ quan đơn vị không hợp tác khi đoàn giám sát đến… Vấn đề năng lực đoàn giám sát, công tác cán bộ, nguồn cán bộ đầu vào cũng được các đại biểu đưa ra bàn luận.

Nâng chất đội ngũ giám sát

Ghi nhận các ý kiến xác đáng của đại biểu, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giám sát.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: Muốn giám sát hiệu quả "phải xuống tận nhà, để nghe dân nói" ảnh 3

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Lệ cho biết, các kinh nghiệm, cách làm và góp ý của đại biểu tham dự sẽ rất có ích cho hoạt động giám sát sắp tới của HĐND TP và MTTQ, trong điều kiện TP thực hiện chính quyền đô thị và Nghị quyết 98 của Quốc hội; phù hợp hơn trong tình hình mới.

“Để giám sát ra kết quả, có nội dung và đặt được câu hỏi, chất vấn là rất quan trọng”- bà nói và cũng đồng ý với kiến nghị cần tập huấn thêm kĩ năng, kinh nghiệm, cách xử lý tình huống, nâng cao năng lực cho cán bộ giám sát; cần đổi mới phương pháp trong quá trình giám sát để công tác này thật sự có hiệu quả.

Theo bà Lệ, Nghị quyết 98 là cơ hội để TP phát triển, sắp tới HĐND TP phải giám sát nội dung gì, kế hoạch ra sao, giám sát sát sườn với các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Vai trò của cấp uỷ trong lãnh đạo, có định hướng và có giao nhiệm vụ cụ thể thì sẽ rất hiệu quả. Các cơ quan cần có sự chia sẻ để hệ thống cùng nắm, phối hợp với nhau.

Chủ tịch HĐND TP cho rằng, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội cần nghiên cứu để bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm với nhau để học hỏi thêm kinh nghiệm. Để đánh giá toàn diện tình hình TP, bà Lệ cũng gợi mở nên chăng chọn chủ đề giám sát và triển khai cho tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức thì mới đánh giá được tổng thể.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: Muốn giám sát hiệu quả "phải xuống tận nhà, để nghe dân nói" ảnh 4

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến chia sẻ ý kiến với đại biểu. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến chia sẻ với đại biểu về tâm tư có cơ quan, đơn vị không coi trọng hoạt động giám sát của MTTQ. Bà động viên đội ngũ và cho rằng, việc trước mắt là cán bộ mặt trận cần nỗ lực để nâng chất mình lên, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; trang bị thêm nhiều kiến thức để chất vấn, đặt câu hỏi cho các cơ quan để tìm ra vấn đề.

Quan trọng nhất, cần phát huy vai trò của người dân, vận động họ cùng tham gia giám sát. Bà Yến gợi mở thêm, cán bộ mặt trận cấp cơ sở cũng có thể mời các chuyên gia đang cư ngụ ngay tại địa bàn để cùng tham gia giám sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm