Thời gian qua, một số tiếp viên hàng không vận chuyển hàng lậu, hàng có xuất xứ không rõ ràng đã khiến dư luận rất bức xúc. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trường Giang - Người phát ngôn VietNam Airlines (VNA) khẳng định: quan điểm chỉ đạo của VNA là cương quyết làm rõ và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân nào là tiếp viên hay cán bộ công nhân viên trong VNA lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để mang hành lý sai quy định. Còn nếu vẫn cố tình vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
PV: Đề nghị ông cho biết quy trình phân lịch bay cho các tiếp viên trên những đường bay quốc tế hiện tại của VNA?
Ông Lê Trường Giang: Quy trình phân lịch bay cho các tiếp viên phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản như sau: Sử dụng phần mềm phân lịch bay, thông qua phần mềm này các tiếp viên đủ tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên. Hiện nay, hàng tháng phần mềm này đang phân lịch bay cho hơn 40.000 lượt tiếp viên trên tất cả các đường bay của hãng.
- Do yêu cầu về an toàn, an ninh và yêu cầu dịch vụ của từng loại máy bay khác nhau cho nên các tiếp viên được đào tạo huấn luyện theo từng loại máy bay. Vì vậy, khi sử dụng các loại máy bay khác nhau thì tiếp viên phải đủ tiêu chuẩn phục vụ cho loại máy bay tương ứng
Ông Lê Trường Giang - Người phát ngôn VietNam Airlines. |
PV: Có những tin đồn xung quanh việc chọn những tiếp viên cho đường bay quốc tế, những đường bay sinh lời, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu thì phải “chạy tiền" hoặc “chạy quan hệ"?
Ông Lê Trường Giang: Chúng tôi có các biện pháp quản lý nội bộ chủ động mà phần mềm phân lịch bay tiếp viên kể trên là một trong những biện pháp đó để tránh xảy ra tiêu cực. Chúng tôi cam kết, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm cụ thể thì sẽ nghiêm túc xử lý.
PV: Trong những trường hợp tiếp viên vi phạm đã bị xử lý thì vẫn có những tiếp viên tiếp tục được bay tuyến Nhật, Hàn (Thực tế PV tìm hiểu đã chứng minh điều này). Liệu đây có phải là kẽ hở để họ - những tiếp viên chuyên trị đường bay này tự tin thao túng nguồn hàng, bắt tay đầu nậu? VNA có nghĩ sẽ điều chỉnh quy định, xử phạt nghiêm khắc hơn để hạn chế rủi ro mà dư luận phản ảnh?
Ông Lê Trường Giang: Các cá nhân vi phạm chúng tôi có thống kê và xử lý nghiêm minh. Tùy theo mức độ vi phạm các cá nhân có thể nhận các hình thức kỷ luật như: sa thải, bị đình chỉ bay có thời hạn, cắt giảm lương thưởng…
PV: Những vụ việc vi phạm của tiếp viên VNA là do VNA tự phát hiện hay là do các cơ quan chức năng khác phát hiện?
Ông Lê Trường Giang: Có các vi phạm do hệ thống quản lý nội bộ phát hiện, có những sai phạm do các cơ quan chức năng như hải quan, công an, an ninh sân bay… phát hiện. Tất cả các trường hợp vi phạm này đều được xử lý theo quy định.
PV: Vậy ở đây đặt ra một vấn đề là quản lý, kiểm tra nội bộ của VNA đang hoạt động như thế nào trong khi các sai phạm vẫn cứ tiếp diễn?
Ông Lê Trường Giang: Hiện nay, tổng số tiếp viên của VNA có 1.946 người và tôi khẳng định đại đa số luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của nội bộ của tổng công ty và quy định của luật pháp.
Việc quản lý tiếp viên của hãng được thông qua các quy trình, quy định cụ thể. Ví dụ như, tất cả tiếp viên phải ký cam kết trong đó nói rõ:
+ Không tham gia vận chuyển hàng hóa mang tính chất thương mại; mang tiền, vàng, ngoại tệ theo đúng quy định của nhà nước, không mang hàng hóa không rõ nguồn gốc và nội dung bên trong mang lên máy bay.
+ Thực hiện đúng các quy định về công an, hải quan và kiểm dịch các nước có đường bay đến của VNA, không vận chuyển, mua hàng hóa không có nguồn gốc hoặc không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Hoặc các chương trình kiểm tra đội xuất, ngẫu nhiên để giám sát tiếp viên.
Quan điểm chỉ đạo của VNA là cương quyết làm rõ và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cá nhân nào là tiếp viên hay cán bộ công nhân viên trong VNA lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ để mang hành lý sai quy định. Còn nếu vẫn cố tình vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Trong năm 2013 Vietnam Airlines đã chủ động xử lý sa thải khỏi đơn vị 2 trường hợp tiếp viên vận chuyển hàng hóa trái quy định . Số lượng tiếp viên hiện tại của VNA là 1.946 người. Hiện tại, VNA khai thác đường bay Nhật là 47 chuyến/tuần; đường bay Hàn Quốc là 45 chuyến/tuần
PV: Ngoài những đồ mà theo quy định của tiếp viên còn phi công, cơ phó cơ trưởng có phải ký cam kết không?
Ông Lê Trường Giang: Tất cả các phi công đều được phổ biến và cam kết tuân thủ theo quy định như trong cam kết của tiếp viên.
PV: Vậy vai trò của họ trong việc quản lý tiếp viên là như thế nào?
Ông Lê Trường Giang: Trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng có trách nhiệm nhắc nhở toàn bộ phi hành đoàn thực hiện nghiêm các quy định của TCT và các nước sở tại của điểm đến của chuyến bay. Trong quá trình thực hiện chuyến bay Cơ trưởng có toàn quyền quản lý phi hành đoàn trong công tác phục vụ hành khách và thực hiện quy trình, quy định về an toàn bay.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet