“Chúng tôi sẽ không công nhận bất kỳ ADIZ nào do Trung Quốc lập ra” - người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan khẳng định trước các nhà làm luật trong một phiên họp ngày 6-6.
Tuyên bố của ông Feng được đưa ra trong bối cảnh cơ quan an ninh hàng đầu của Đài Loan cảnh báo việc Trung Quốc lập ADIZ như vậy trên biển Đông có thể gây gia tăng căng thẳng khu vực.
Giới chức Mỹ lo ngại khi tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố lập ADIZ ở biển Đông như nước này đã đơn phương làm trên biển Hoa Đông vào năm 2013.
Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan (giữa) khẳng định Đài Loan sẽ không công nhận bất kỳ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc lập ra trên biển Đông. Ảnh: STRAITSTIMES
Philippines đã đệ trình vụ kiện chống lại “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan và phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Nhật Bản và Mỹ đã lên tiếng phản đối dữ dội sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố lâp vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hồi năm 2013, mà theo đó các máy bay khi vào vùng này phải chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trung Quốc không xác nhận và cũng không từ chối các kế hoạch lập ADIZ trên biển Đông. Bắc Kinh nói rằng quyết định như vậy sẽ được đưa ra dựa trên mức độ đe dọa và thẳng thừng tuyên bố nước này có quyền lập ADIZ.
“Chúng tôi không loại trừ khả năng Trung Quốc lập ADIZ trên biển Đông. Nếu Trung Quốc làm điều đó, nước này có thể sẽ gây ra một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực” - theo cơ quan an ninh Đài Loan.
Trước đó, hôm 5-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ sẽ xem bất kỳ hành động lập ADIZ nào của Trung Quốc ở biển Đông là một động thái “khiêu khích và gây mất ổn định”.
Hình ảnh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cung cấp cho thấy Trung Quốc xây các công trình quân sự trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Tuy nhiên, theo GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng để làm điều đó. Ông Thayer cho biết Trung Quốc mặc dù mở rộng hiện diện ở biển Đông nhưng nước này không có sự hiện diện của hậu cần và bảo trì nhằm phục vụ việc triển khai các thiết bị quân sự cần thiết trong một thời gian dài để thực thi ADIZ.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông với việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không, máy bay không người lái và các tàu tấn công nhanh bằng tên lửa ở biển Đông. Các nước trong và ngoài khu vực đã lên tiếng phản đối những động thái gây bất ổn này của Bắc Kinh.