Tình hình trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) thời điểm này đã phần nào ổn định hơn, sau khi các tay súng nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah và người biểu tình Iraq xông vào tấn công vì giận dữ với việc Mỹ không kích năm cơ sở quân sự của nhóm dân quân này ở Iraq và Syria ngày trước đó.
Nhân viên ngoại giao Mỹ an toàn
Các tay súng Kata'ib Hezbollah và người biểu tình Iraq ném đá, phóng hỏa chốt kiểm soát an ninh tại trụ sở đại sứ quán Mỹ nhưng không tiến vào được tòa nhà chính.
Các tay súng nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah và người biểu tình Iraq xông vào tấn công trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) ngày 31-12. Ảnh: REUTERS
Nhân viên bảo vệ an ninh tại đại sứ quán đã bắn đạn cay và quăng lựu đạn gây choáng giải tán thành phần tấn công trụ sở. Mỹ nhanh chóng cho triển khai hơn 100 lính thủy quân lục chiến từ Kuwait sang để bảo vệ nhân viên đại sứ quán đang ẩn náu bên trong trụ sở. Iraq cũng đã triển khai lực lượng đặc biệt và lực lượng chống khủng bố đến giữ an ninh.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các nhân viên đại sứ quán vẫn an toàn và hiện không có kế hoạch sơ tán.
Trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) bị phóng hỏa ngày 31-12. Ảnh: REUTERS
Sự việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Mỹ không kích năm mục tiêu quân sự của Kata'ib Hezbollah ở Iraq và Syria khiến 25 tay súng thiệt mạng và 55 tay súng bị thương. Hành động của Mỹ nhằm trả đũa việc căn cứ quân sự K1 Mỹ sử dụng ở Iraq bị tấn công làm năm nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng và làm một số quân nhân Mỹ bị thương.
Căng thẳng Mỹ-Iran-Iraq leo thang nguy hiểm
Đây là vụ tấn công chưa có tiền lệ nhằm vào một phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Iraq. Vụ việc nhắc nhớ lại sự cố cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Benghazi (Libya) bị các tay súng vũ trang tấn công bảy năm trước, khiến đại sứ và ba nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng.
Các tay súng nhóm vũ trang Kata'ib Hezbollah và người biểu tình Iraq tập trung bên ngoài trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) ngày 31-12. Ảnh: REUTERS
Sự việc này khiến quan hệ giữa Mỹ và Iraq xuống thấp đến mức tồi tệ nhất trong nhiều năm gần đây. Ngay sau khi sự việc xảy ra Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi yêu cầu phải bảo vệ nhân viên và cơ sở ngoại giao Mỹ. Trước đó, Thủ tướng Mahdi lên án các vụ tấn công của Mỹ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Kataib Hezbollah, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền Iraq và có thể dẫn tới “hậu quả nghiêm trọng”.
Lực lượng an ninh Iraq canh gác bên ngoài trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) ngày 31-12. Ảnh: REUTERS
Vụ việc cũng cho thấy rõ sự leo thang căng thẳng, xung đột giữa Mỹ và Iran - hai nước có ảnh hưởng lớn tại khu vực.
Kata'ib Hezbollah còn được biết với cái tên Lữ đoàn Hezbollah, là một nhóm bán quân sự người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Kata'ib Hezbollah được thành lập trong cuộc chiến tranh Iraq như là một lực lượng chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003, rất tích cực đánh lực lượng Mỹ.
Kata'ib Hezbollah được Iran ủng hộ, hoạt động tích cực trong các cuộc xung đột tại Iraq và Syria. Gần đây, Kata'ib Hezbollah tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, tham gia vào một liên minh dân quân ở Iraq đánh đuổi IS khỏi Iraq trong thời gian 2016-2017.
Ngày 31-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran thiết kế xung đột và cảnh cáo nước này sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Iran sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc mất mát nhân mạng hay có thiệt hại xảy ra tại bất kỳ cơ sở nào của chúng tôi. Họ sẽ phải trả cái giá rất đắt! Đây không phải là sự cảnh cáo, mà là một lời đe dọa” - ông Trump viết trên Twitter.
Iran cảnh cáo Mỹ không có các phát ngôn tương tự nữa, đồng thời kêu gọi Mỹ từ bỏ “các chính sách tàn phá” của mình ở Trung Đông.
Mỹ đưa thêm quân đến khu vực
Chưa biết sự việc sẽ leo thang thế nào khi Bộ Quốc phòng Mỹ tối 31-12 tuyên bố đã triển khai 750 binh sĩ đến Trung Đông để đối phó tình hình ở Baghdad. Trước đó, Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết quân đội Mỹ đã chỉ đạo huy động thêm binh sĩ từ Sư đoàn không vận 82 tại cơ sở quân sự Fort Bragg ở bang North Carolina (Mỹ) trong vài giờ tới, nếu cần thiết. Hiện ít nhất 500 binh sĩ đã lên đường sang Kuwait. Khoảng 4.000 binh sĩ nữa cũng đã nhận lệnh sẵn sàng lên đường trong những ngày tới nếu cần thiết.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ được triển khai từ Kuwait sang để bảo vệ nhân viên ngoại giao đang ẩn náu bên trong trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq). Ảnh: REUTERS
Mỹ hiện có khoảng hơn 5.000 binh sĩ đóng quân ở Iraq với nhiệm vụ hỗ trợ, huấn luyện lực lượng địa phương, trong tổng số khoảng 60.000 quân Mỹ hiện có ở Trung Đông. Đội tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ với hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk và hàng chục máy bay tấn công đang ở vịnh Oman. Chưa kể đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln của Mỹ cũng đang ở Trung Đông, sau khi được triển khai đến khu vực hồi tháng 5.