Đảng đối lập Ấn Độ: TQ bố trí S-400 sát biên giới là mối đe dọa nghiêm trọng

Hôm 12-10, đảng Quốc Đại - đảng đối lập chính của Ấn Độ nói rằng việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf do Nga chế tạo tại biên giới vùng Ladakh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho lợi ích an ninh của Ấn Độ trong khu vực, theo hãng tin Sputnik.

Trung Quốc triển khai S-400 tới vùng Ladakh

“Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc triển khai hệ thống S-400 tại khu vực biên giới. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng với chúng ta và chính phủ phải thực hiện tất cả bước đi để đảm bảo rằng vấn đề (xung đột biên giới) được giải quyết” – ông Pawan Khera, phát ngôn viên đảng Quốc Đại của Ấn Độ nói tại cuộc họp báo hôm 12-10.

Ấn Độ dự kiến nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga vào cuối năm nay. Ảnh: SERGEI MALGAVKO/TASS

Theo các báo cáo, Chiến khu phía Tây của Trung Quốc đã bố trí hệ thống S-400 tại căn cứ Nyingchi (Tây Tạng), cách Đường kiểm soát thực tế (LAC) tranh chấp – ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát – 20 km ở phía đông vùng Ladakh.

“Chính phủ phải được nhắc đi nhắc lại mối đe dọa đang rình rập ở biên giới. Thực tế, tất cả người dân Ấn Độ phải nhận thức được mối đe dọa tại khu vực biên giới” – ông Khera nói.

“Các máy bay của Ấn Độ ở vùng Jammu and Kashmir và vùng Ladakh cách những hệ thống S-400 trên bao xa?” – ông Khera đặt câu hỏi.

Đảng Quốc đại cáo buộc rằng trách nhiệm thuộc về Thủ tướng Modi

Người phát ngôn phe đối lập của Ấn Độ nói rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có trách nhiệm đối với các hành động của Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp, vì ông đã “bỏ qua” cho Trung Quốc trong vấn đề xung đột biên giới.

Tại một cuộc họp toàn đảng vào ngày 19-6 năm ngoái, ông Modi nói rằng không hề có ai đi vào lãnh thổ Ấn Độ, chỉ ba ngày sau cuộc ẩu đả chết người giữa Ấn Độ và Trung Quốc khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và bốn binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Sự việc này trở thành cuộc ẩu đả biên giới đẫm máu nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong hơn 40 năm.

“Ngày đó (19-6) sẽ được nhớ tới như một ngày đen tối trong lịch sử của đất nước. Tuyên bố đó từ Thủ tướng đã khuyến khích Trung Quốc” – ông Khera nhấn mạnh.

Ông Khera cho rằng ông Modi lo lắng về “hình ảnh người hùng nhân tạo của mình” hơn là duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Ông Khera nhấn mạnh rằng chính sách của ông Modi đối với Trung Quốc đã trực tiếp góp phần làm gia tăng các vụ vi phạm. Tuần trước quân đội Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm các bang Uttarakhand và Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Ông Khera tiếp tục đặt câu hỏi tại sao thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng bất chấp đang xảy ra xung đột biên giới.

“Thương mại song phương giữa một quốc gia thù địch như Trung Quốc và Ấn Độ tăng 62% (theo số liệu chính thức do Bắc Kinh công bố) trong tám tháng đầu của năm 2021, so với cùng kỳ năm ngoái” – ông Khera cho biết.

Ông Khera còn chỉ trích Thủ tướng Modi đã không thể thuyết phục Trung Quốc rút khỏi các lãnh thổ do Ấn Độ tuần tra cho tới tháng 5-2020, thời điểm nổ ra xung đột biên giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến sân bay Nyingchi Mainling (Tây Tạng) tháng 7-2021. Ảnh: TÂN HOA XÃ

“Quân đội Trung Quốc đã đi vào vùng đồng bằng Depsang năm 2013, khi ông Manmohan Singh (khi đó là lãnh đạo đảng Quốc Đại) giữ chức Thủ tướng. Tuy nhiên, họ đã rời đi trong vòng 21 ngày sau khi vào lãnh thổ chúng tôi” – ông Khera nhớ lại.

Ông Khera trích dẫn các thỏa thuận quản lý biên giới năm 2005 và trước đó giữa hai nước, tiếp tục hỏi tại sao ông Modi không thể buộc Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân sự gần đây nhất giữa hai nước diễn ra hôm 10-10 nhằm tìm giải pháp cho xung đột nhưng đã kết thúc trong bế tắc. Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ cố chấp với những yêu cầu “vô lý” trong khi đàm phán.

Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại LAC là nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện tại. Sau cuộc họp hôm 10-10, Ấn Độ ra tuyên bố chính thức nói rằng Trung Quốc không thể đưa ra bất kỳ đề xuất nào hướng tới tương lai để đáp lại “những đề nghị mang tính xây dựng” của New Delhi nhằm giải quyết vấn đề.

Sau hơn một năm xảy ra cuộc ẩu đả biên giới chết người, quân đội Trung Quốc và quân đội Ấn Độ đã tổ chức 13 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự cũng như các cuộc họp cấp cao để giải quyết tranh chấp. Hai bên rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp hồi tháng 2. Đến nay, Ấn Độ và Trung Quốc đã giải tán quân ở thung lũng Galwan, bờ phía bắc và phía nam Hồ Pangong Tso và Gogra Post.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm