Thủ tướng Hungary Viktor Orban tin tưởng tuyệt đối rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tái đắc cử và đưa ra một số bình luận về kịch bản này, hãng tin Reuters cho hay.
Trong buổi trả lời phỏng vấn các PV Reuters ngày 25-9, ông Orban dự đoán một cách đầy tự tin rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3-11 tới.
Suốt 30 năm làm chính trị, ông Orban không cần 'kế hoạch B'
Ông Orban cũng cho biết giống như mọi vấn đề khác trong hơn 30 năm hoạt động chính trị, ông "luôn tin tưởng kế hoạch A của mình" và không cần lo về "kế hoạch B".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Hungary nhận xét rằng ông và đương kim Tổng thống Mỹ có "mối quan hệ đặc biệt tốt".
Trong trường hợp ứng cử viên của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - đắc cử (điều mà không Orban nghĩ sẽ không thể xảy ra), "mức độ cởi mở, tử tế và giúp đỡ lẫn nhau (giữa Budapest và Washington - PV) có lẽ sẽ thấp hơn" - ông Orban nói.
Ông Orban cáo buộc đảng Dân chủ Mỹ đang theo đuổi "chủ nghĩa đế quốc về đạo đức". Thủ tướng Hungary cho biết những nhà lãnh đạo không theo quan điểm của chủ nghĩa tự do như ông chắc chắn không ủng hộ "chủ nghĩa đế quốc" mới này.
'Ông Trump không theo chủ nghĩa thể chế nhưng là lựa chọn tốt nhất cho EU'
Khi được hỏi về tác động của cuộc bầu cử ở Mỹ tới Liên minh châu Âu (EU), ông Orban cho rằng chiến thắng của ông Trump (nếu xảy ra trong tháng 11 tới) sẽ ảnh hưởng bất lợi tới những chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa thể chế.
"Nếu bạn coi EU là một trung tâm quyền lực tập trung với trái tim và tinh thần của tổ chức nằm ở các thể chế, ông Trump không phải là lựa chọn tốt nhất" - ông Orban nói.
"Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng EU chỉ là một cộng đồng các quốc gia thành viên thì cho đến nay, ông ấy vẫn là lựa chọn tốt nhất" - ông Orban nói tiếp.
Thủ tướng Orban cho rằng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, EU cần phải bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ và đưa ra quan điểm rõ ràng về sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại châu Âu.
"EU có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Tổng thống Trump đã luôn nêu quan điểm rằng ông ấy muốn giảm bớt thặng dư này bằng cách thay đổi các quy định" - ông Orban lưu ý.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp nhau tại Nhà Trắng hồi tháng 5-2019. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Hungary cũng hoan nghênh việc chính quyền Warsaw đồng ý với Washington triển khai một phần lính Mỹ được rút khỏi Đức trên lãnh thổ Ba Lan. Tuy nhiên, về phần mình, ông Orban cho rằng Budapest không cần làm giống Warsaw vì mối đe dọa của Nga tại Hungary là không trực tiếp.
Ông Orban cũng cho biết "trong không quá năm năm", Hungary sẽ đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc chi ít nhất 2% GDP cho các hoạt động quốc phòng.
Hungary không có lý do để trừng phạt Nga vì vụ ông Navalny
Trong buổi phỏng vấn, Thủ tướng Orban cũng trả lời một số câu hỏi liên quan tới mối quan hệ với Nga, vấn đề Belarus và tình hình nội bộ của Hungary.
Ông Orban phản đối việc EU trừng phạt Nga vì cáo buộc tấn công chính trị gia đối lập Alexei Navalny bằng vũ khí hóa học, cho biết theo quan điểm của Hungary thì "không có lý do để làm như vậy". Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Budapest sẽ "sẵn sàng cân nhắc" trừng phạt nếu EU đưa ra yêu cầu.
Ông Orban cũng chỉ trích chính sách của EU về vấn đề Nga là "không hợp lý". Ông cho rằng châu Âu nên "rất, rất cứng rắn trên phương diện quân sự" và "rất hợp tác về mặt kinh tế" với Nga.
Ông Orban nhấn mạnh rằng nếu EU muốn có "ngang sức" với Nga thì châu Âu cần sức mạnh quân sự mạnh mẽ.
Thủ tướng Hungary không đồng ý với quan điểm của Cộng hòa Síp khi mặc cả và không đồng ý trừng phạt Belarus vì các cáo buộc "đàn áp biểu tình". Tuy nhiên, ông Orban lưu ý rằng EU không được bắt ép Cộng hòa Síp phải theo ý minh vì đó là quan điểm riêng của đảo quốc này.
Về tình hình nội bộ của Hungary, ông Orban tự nhận mình là "một chiến binh vì tự do" bất chấp những chỉ trích từ EU về vấn đề dân chủ và người nhập cư.
Thủ tướng Orban bị nhận xét là một chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và thường xuyên đi ngược lại các quyết định của EU. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - một đại diện của đảng Dân chủ Mỹ - từng chỉ trích ông Orban làm xói mòn các giá trị dân chủ.
Reuters cũng lưu ý rằng ông Orban theo đuổi chính sách tương đối gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện nay, Hungary đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với sự hỗ trợ của chính quyền Moscow.