Đầu năm khu công nghiệp nhộn nhịp, làng nghề vẫn đóng cửa du xuân

(PLO)-Trong khi hầu hết người lao động tại các khu công nghiệp đã trở lại làm việc thì tại các làng nghề truyền thống, nghệ nhân và thợ thuyền vẫn đang trảy hội, du xuân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại KCN Nội Bài, KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), phần lớn các doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động khai xuân từ ngày 15-2, tức mồng 6 Tết, sau đó bắt tay vào công việc.

96% lao động của các doanh nghiệp đã trở lại làm việc

Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam có hơn 1.600 lao động, sau kỳ nghỉ tết đã bắt tay vào sản xuất các sản phẩm ống thấu kính quang học.

Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng từ bối cảnh toàn cầu biến động, năm 2023 công ty đã nỗ lực duy trì chế độ đãi ngộ bằng quà và thưởng Tết từ 1.2 đến 2.5 tháng lương/lao động, tùy vào vị trí chức vụ của từng người.

Đầu năm, doanh nghiệp tất bật sản xuất, làng nghề vẫn đóng cửa du xuân.jpg
Lãnh đạo Hà Nội thăm, động viên công nhân Công ty Tamron Optical Việt Nam đầu năm mới. Ảnh PV

Ông BDH, một người lao động chia sẻ, "công nhân chúng tôi mong năm nay Tamron Optical có thêm nhiều đơn hàng để có việc làm".

Thu nhập mỗi tháng của ông H khoảng 12 triệu đồng, số tiền vừa đủ cho sinh hoạt. Ông H hy vọng TP Hà Nội tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, để những công nhân như như ông có thể thuê, mua nhà với thu nhập của mình, sớm an cư lạc nghiệp.

Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, đại diện Bộ phận đối ngoại và trách nhiệm xã hội cho biết, công ty đã khai xuân từ ngày 16-2. Trong năm 2024, Canon Việt Nam sẽ liên tục tuyển dụng công nhân viên mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm máy in “Made in Vietnam”.

Canon Việt Nam là một trong những nhà máy sản xuất máy in lớn nhất thế giới của Tập đoàn Canon.

Đầu năm, doanh nghiệp tất bật sản xuất, làng nghề vẫn đóng cửa du xuân 4.JPG
Khoảng 17h00, người lao động ra về sau ngày làm việc tại lối ra KCN Thạch Thất - Quốc Oai những ngày đầu năm. Ảnh PV

Tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai, phần lớn các công ty trong KCN cũng đã hoạt động trở lại. Trong các phân xưởng sản xuất, hình ảnh người lao động miệt mài làm việc, khí thế khẩn trương tích cực, gợi nên những hy vọng về một năm mới nhiều thành công, thắng lợi mới.

Bà Nguyễn Thị Đào, công nhân một công ty nước ngoài ở KCN này cho biết, mình và đồng nghiệp ai cũng mong năm 2024 có công việc đều, không bị gián đoạn như năm 2023. Càng nhiều việc, càng tăng ca nhiều thì sẽ có thêm thu nhập, để cuộc sống tốt hơn trong năm mới.

Theo tìm hiểu, KCN Thạch Thất - Quốc Oai có khoảng 80 doanh nghiệp sản xuất, trong đó 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện trung bình thu nhập mỗi tháng của công nhân trong KCN khoảng 10 triệu đồng.

Ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, từ ngày 15-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) đã có trên 60% doanh nghiệp trong tổng số 710 doanh nghiệp thuộc các KCN hoạt động trở lại.

Qua thống kê có khoảng 96% lao động của các doanh nghiệp đã trở lại làm việc. Nhìn chung, tình hình sản xuất đầu năm tại các công ty, doanh nghiệp rất tích cực.

Bước sang năm 2024, đại diện doanh nghiệp KCN Nội Bài mong nhận được sự điều hành, hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước đối với nền kinh tế, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để yên tâm phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Làng nghề vẫn... vui xuân

Trái ngược với tình hình sản xuất nhộn nhịp đầu năm tại các công ty, doanh nghiệp, nhiều làng nghề tại các tỉnh phái bắc chưa hoạt động. Theo truyền thống, thời điểm này người dân vẫn đang dự lễ du xuân, trảy hội đầu năm mới.

Nhiều năm nay, nghề mộc dân dụng, tập trung ở một số xã Hữu Bằng, Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hoài Đức (Hà Nội) đã mang lại công việc và thu nhập ổn định cho khoảng trên 50 doanh nghiệp và hơn 1000 hộ dân tham gia sản xuất, chế biến gỗ.

Đầu năm, doanh nghiệp tất bật sản xuất, làng nghề vẫn đóng cửa du xuân 5.JPG
Hàng loạt cửa hàng ở làng mộc Hữu Bằng vẫn đang đóng cửa, chưa khai xuân. Ảnh PV

Khu vực cống Đặng, lối dẫn vào làng mộc Hữu Bằng những ngày này vắng vẻ, không có bóng dáng những lao động tự do đứng chờ người đến thuê.

Bà Hồng, người bán hàng nước tại khu vực này cho biết, thông thường mỗi ngày có đến vài chục người đứng chờ được thuê đi làm việc nhưng dịp đầu năm này, các xưởng chưa làm việc nên có đứng chờ việc cũng chẳng ai gọi.

Đi vào trong làng mới có một số xưởng mộc, cửa hàng bán đồ nội thất đã khai xuân lấy ngày còn lại, đa phần các cơ sở đóng cửa, chưa sản xuất.

Bà Hồng Minh, một chủ cửa hàng ở đây cho biết, thời điểm đầu năm nhiều chủ cơ sở mộc đi lễ hội, du xuân, thường phải qua tháng Giêng mới bắt đầu mở cửa làm việc trở lại.

Đầu năm, doanh nghiệp tất bật sản xuất, làng nghề vẫn đóng cửa du xuân 2.JPG
Ông Nguyễn Xuân Trung đang hoàn thành lô hàng của năm ngoái, năm mới này cơ sở của ông Trung chưa có đơn hàng nào. Ảnh PV

Ngay bên cạnh, làng nghề tạc tượng Sơn Đồng (xã Sơn Đồng) có tiếng trong cả nước về sản xuất, chế tác tượng Phật, những ngày đầu năm mới cũng khá yên tĩnh. Thỉnh thoảng mới có một vài tiếng máy chà, phun sơn, tiếng máy CNC tạc tượng...vọng lại.

Ông Nguyễn Xuân Trung, một nghệ nhân trẻ đã khai xuân cho biết, năm 2024 cơ sở chưa có đơn hàng nào. Do đơn hàng tồn lại từ năm ngoái nên ra Tết ông Trung tranh thủ làm tiếp, thợ thì vẫn đang nghỉ.

Lí giải sự im lìm của làng nghề, ông Trung cho biết, "Đầu năm, người làng Sơn Đồng còn đi ăn hội tháng Giêng, ăn khao thọ ... rồi ăn hội làng Sơn Đồng vào ngày 6-2 âm lịch, xong xuôi sau đó mới bắt tay vào làm việc".

Cũng theo ông Trung thì thông thường các đơn hàng sẽ có từ khoảng tháng 3 hằng năm từ các chùa, đền, miếu trong cả nước. Do dịp đầu năm, đền, chùa vẫn đang tổ chức lễ hội, mọi người tranh thủ đi chơi nên chưa có đơn hàng để sản xuất.

Cũng là sản xuất hàng hóa nhưng các công ty, doanh nghiệp ở thị trường lớn có quy mô sản xuất khép kín, đơn hàng quanh năm thì thời gian gián đoạn sản xuất được hạn chế tối đa. Còn các làng nghề truyền thống, gắn với thị trường trong nước, mang tính thời vụ nên thường chỉ bận rộn cuối năm. Đầu năm rỗi rãi người dân đi lễ, du xuân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm