Đầu tư hạ tầng mạnh, thị trường bất động sản ở miền Tây sẽ sôi động hơn

(PLO)- TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá việc chú trọng đầu tư hạ tầng sẽ làm tỉ lệ đô thị hóa, phát triển kinh tế, tăng dân số lao động và nhu cầu BĐS cũng tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiều 10-6 ở Cần Thơ, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam đã có phát biểu nhận định về thị trường BĐS ĐBSCL.

TS Nguyễn Văn Đính phát biểu tại Diễn đàn chiều 10-6 tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

TS Nguyễn Văn Đính phát biểu tại Diễn đàn chiều 10-6 tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Đính, thị trường BĐS Việt Nam đầu năm 2023 đến nay có dấu hiệu đi xuống, nhiều khó khăn và bế tắc. Dấu hiệu thể hiện qua số liệu về nguồn cung năm 2022 sụt giảm, chỉ đạt khoảng trên 40.000 sản phẩm, tương đương 20% của nguồn cung năm 2018.

Theo ông Đính, nguồn cung khan hiếm trên thị trường nhưng không phải thực chất vì sản phẩm của nguồn cung tiềm năng đang nằm ở khoảng gần 1.000 dự án BĐS đang phải dừng lại để chờ tháo gỡ các điểm nghẽn mà các dự án này không thể triển khai được.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, quý I-2023, có trên 2.000 sản phẩm của toàn quốc được giao dịch, tương đương vài % của cùng kỳ năm 2018, đây là số sụt giảm rất mạnh. Giá BĐS đã tiệm cận giá trị thực, thậm chí có sản phẩm xuống dưới giá thành để thu hồi vốn nhưng rất khó khăn.

“Cầu thị trường BĐS hiện nay tôi cho là yếu, tuy nhiên, lượng cầu yếu hiện nay chỉ là bề nổi. Chúng tôi đo bằng công cụ tính toán của chúng tôi thì thực chất lực cầu của thị trường BĐS Việt Nam tiềm ẩn rất mạnh” – TS Đính nói.

Nhận định về thị trường BĐS khu vực ĐBSCL, TS Đính cho đây là khu vực rất có tiềm năng. Ở những giai đoạn trước thì đây là khu vực có rất ít biến động, giá cả khá ổn định và ở mức rất thấp, giá bình quân các dự án ở đô thị như Cần Thơ, cũng chỉ dao động trên dưới 20 triệu/m2, so với các khu vực trên cả nước thì đây là con số có tỉ lệ rất thấp. Tiềm năng, dư địa của khu vực này có thể nói còn rất lớn. Hiện nay ĐBSCL đang có những quy hoạch, kế hoạch phát triển rất tốt.

Theo ông Đính, Tây Nam bộ đang được nhà đầu tư quan tâm mặc dù khu vực này chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng.

Một dự án bất động sản tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Một dự án bất động sản tại TP Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Đánh giá tiềm năng thị trường BĐS, ông Đình cho rằng khu vực này đang được nhà nước đầu tư mạnh để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu đầu tư đúng theo quy hoạch, kế hoạch sẽ tạo ra sự kết nối không gian vùng này với TP.HCM, miền Đông Nam bộ. Từ đó sẽ tạo vùng không gian phát triển kinh tế nhanh và mạnh hơn trong giai đoạn tới.

“Hạ tầng được chú trọng đầu tư chắc chắn sẽ làm tăng tỉ lệ đô thị hóa và số lượng các khu kinh tế lớn của vùng này cũng đồng nghĩa với tăng việc làm và tăng dân số lao động, chắc chắn nhu cầu BĐS cũng tăng lên. Tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ tạo ra lực cầu đầu tư và nhu cầu của thị trường BĐS. Phân khúc của thị trường BĐS ở đây là nhà ở đô thị, BĐS công nghiệp, BĐS du lịch, BĐS bán lẻ chắc chắn sẽ có tăng trưởng mạnh giai đoạn tới” – ông Đính nhận định.

Ông cũng cho rằng thực tế tại ĐBSCL đã có mặt gần như hầu hết các con cá mập của ngành BĐS, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta thấy họ vẫn chưa thực sự thực hiện đầu tư, hy vọng lần này cùng với sự đầu tư mạnh của nhà nước về hạ tầng sẽ thúc đẩy làm sôi động thị trường BĐS khu vực này trong giai đoạn tới.

Từ đó, ông kiến nghị, để các khu vực cũng như ĐBSCL có thể phát triển tốt hơn thì Chính phủ cần đẩy nhanh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS trên cả nước trong đó có vùng ĐBSCL. Cạnh đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng được thúc đẩy nhanh hơn theo đúng kế hoạch; chính quyền các địa phương quyết liệt hỗ trợ các doanh nghiệp giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư vào vùng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm