Ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội. ĐB K Nhiễu (Lâm Đông) đánh giá giáo dục mầm non có nhiều tiêu cực khiến người dân dân bức xúc… vậy Bộ đã làm gì để nâng cao giáo dục mầm non?
Ông Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm là người đứng đầu khi các cơ sở giáo dục mầm non xảy ra bạo hành.
Cũng ý kiến về giáo dục mầm non, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt vấn đề Bộ trưởng nói UNCEP đánh giá cao giáo dục mầm non: “Ai đánh giá cao tôi không rõ nhưng tôi thấy giáo dục mầm non rất yếu, gây bức xúc cho xã hội…” - vị đại biểu nói.
Dẫn chứng, đại biểu cho rằng hiện giáo dục mầm non phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Nguồn lực đầu tư thì thấp nhất trong ngành, cơ sở vật chất, trường lớp, giáo dục thì chưa đáp ứng được yêu cầu... và ông đặt câu hỏi: "Việc đánh giá cao giáo dục mầm non có chính xác không?".
Trả lời câu hỏi, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục mầm non là vấn đề của ngành. Hiện đang có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, 337 ngàn giáo viên. Đa số các thầy cô rất tâm huyết yêu nghề, mến trẻ nhưng cũng có trường hợp bạo hành, không thể chấp nhận được.
“Là người đứng đầu ngành, cá nhân tôi nhận trách nhiệm vấn đề trên, đồng thời đối với các hành vi bạo hành trẻ phải kiên quyết loại ra khỏi ngành, đóng cửa các cơ sở không đạt điều kiện. Chúng tôi xác định nhiệm vụ căn cơ của giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý cho giáo viên, vì hiện nay giáo viên mầm non ra trường lương thấp, rất khó khăn…”.
Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận còn nhiều vấn đề như chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phát triển không đồng đều, nhất là khu chế xuất công nghiệp, còn xảy ra các vụ bạo hành: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng môi trường an toàn cho trẻ mầm non. Đồng thời mong các địa phương phối hợp với mục tiêu phòng ngừa là chính” - ông Nhạ nói.