Ngày 3-4, Ban biên tập (BBT) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 đã họp phiên toàn thể để cho ý kiến về việc tiếp thu bước đầu góp ý của nhân dân. Các thành viên BBT đã thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến đóng góp và Dự thảo sửa đổi HP có chỉnh lý theo góp ý của nhân dân, do Thường trực BBT chuẩn bị.
Thông tin từ phiên họp này cho thấy đã có những điều chỉnh, tiếp thu đáng chú ý cho Dự thảo sửa đổi HP. Chẳng hạn, Lời nói đầu được diễn đạt lại ngắn gọn, cô đọng hơn, theo hướng đề cao nhân dân với tính chất là chủ thể của quyền lực nhà nước, chủ quyền nhân dân được đặt ở vị trí trang trọng, đúng với tính chất tối cao của nó.
Ở nội dung Hội đồng HP, phần nhiệm vụ quyền hạn cũng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng thực quyền hơn chứ không chỉ “yêu cầu”, “kiến nghị” như dự thảo công bố lấy ý kiến dân.
Tương tự, tiếp thu ý kiến nhân dân, phần nghĩa vụ trung thành của lực lượng vũ trang (Điều 70 dự thảo) được đưa ra hai phương án thể hiện. Một là cơ bản giữ nguyên như HP hiện hành, xác định các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Hai là bổ sung thêm chủ thể Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên.
Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992 - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân, một số thành viên BBT kiến nghị nên mở rộng diện tiếp thu. Với từng nội dung cụ thể còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần bổ sung phương án diễn đạt để người dân tiếp tục thảo luận, cho ý kiến. Chẳng hạn, về tên nước, nên có thêm phương án lấy tên nước thời HP 1946 - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tương tự, các nội dung về chính quyền địa phương đến nay chưa thấy có tiếp thu, chỉnh lý đáng kể nào. Vì vậy cần xem xét điều chỉnh để mở đường cho cải cách tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian tới...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP 1992 - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh BBT phải tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó tiếp thu các ý kiến đóng góp. Việc tiếp thu cần nêu rõ cơ sở, lý lẽ, có sự lập luận chặt chẽ. Đối với những ý kiến chưa tiếp thu cần có sự giải trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể BBT, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Thường trực BBT tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo báo cáo, dự thảo HP sửa đổi có chỉnh lý, bổ sung để trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi HP. Ủy ban sẽ xem xét, hoàn thiện các dự thảo để trình xin ý kiến Trung ương, sau đó sẽ hình thành dự thảo HP sửa đổi bản mới để đưa ra QH thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc lại rằng nhân dân vẫn đang tiếp tục đóng góp ý kiến cho bản dự thảo HP hiện tại và tới đây là dự thảo mới. Vì vậy các cơ quan, tổ chức, địa phương cần tiếp tục tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, gửi về Ủy ban Dự thảo. Các ý kiến góp ý sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu cho đến khi QH thông qua HP mới vào kỳ họp tháng 10-2013.
Hạn chế quyền con người phải do luật định Báo cáo Tổng hợp ý kiến của nhân dân TP.HCM về Dự thảo sửa đổi HP 1992 (đợt 2 từ ngày 6 đến 26-3) của UBND TP.HCM (ngày 2-4) cho biết như trên. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị HP phải quy định cụ thể về thẩm quyền hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cụ thể: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và do luật quy định. Điều này nhằm tránh trường hợp lạm dụng việc ban hành các quy định pháp luật hạn chế quyền con người, quyền công dân. Ngoài ra, theo báo cáo trên, người dân TP.HCM cũng đề nghị giữ lại một số nội dung trong HP 1992 thể hiện tính ưu việt của chế độ. Chẳng hạn như Điều 59 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân: Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí... Báo cáo cho hay bốn chương được nhân dân tham gia thảo luận, đóng góp tập trung nhất là: Chương I về Chế độ Chính trị (chiếm 25% số ý kiến); Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (chiếm 40% số ý kiến); Chương III về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (chiếm 10% số ý kiến) và Chương 4 về Bảo vệ Tổ quốc (chiếm 7% số ý kiến). GIANG THANH - M.CƯỜNG |
NGHĨA NHÂN