Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thay thế QCVN 40:2015/BGTVT).
Trong đó, tại Báo cáo đánh giá tác động về chính sách của việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe, Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1.
Theo đơn vị soạn thảo, tại điểm c, điểm d và điểm g khoản 3 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về giấy phép lái xe để điều khiển xe ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi, như sau:
“ d) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;
đ) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi;”.
Theo đó, tại Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng C và hạng D.
Tuy nhiên, ngày 27-6-2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 và tại các điểm đ, e, g, h, l, m, n, o khoản 1 Điều đã quy định hạng giấy phép lái xe để điều khiển xe ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi (nội luật hoá Công ước về giao thông đường bộ năm 1968), như sau:
“đ) Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B;
e) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1;
g) Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;
h) Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;
l) Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
m) Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc;
n) Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
o) Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;”.
Vì vậy, việc quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1 để đảm bảo việc tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên cũng đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo Bộ GTVT việc này sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc bổ sung như vậy nhằm đảm bảo phân bổ hạng xe phù hợp với nhu cầu của cá nhân và xã hội. Đồng thời, việc bổ sung cũng tương thích với Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 1968.