Trong đó, chú ý phân tích các số liệu về mật độ, trữ lượng cá, các thông số kỹ thuật môi trường nước của dòng kênh để đưa ra lý do thuyết phục cần phải giảm đàn cá”.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm tại buổi họp về một số biện pháp phòng ngừa tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè như trên.
Sở GTVT được yêu cầu không để xảy ra tình trạng ảnh hưởng môi trường xung quanh, xảy ra cá chết khi triển khai thí điểm nạo vét kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đoạn từ cầu số 5 đến cầu số 1 (theo Sở GTVT, hiện nay cao trình đáy kênh cao hơn từ 1 m so với mức thiết kế đáy kênh).
TP yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: TRUNG THANH
Trước đó, Sở NN&PTNT đã trình phương án “tỉa” thưa cá trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhằm ngăn chặn tình trạng cá chết tái diễn trong mùa mưa năm nay. Phương án này dựa vào nghiên cứu do Sở KH&CN và ĐH Nông Lâm TP.HCM thực hiện. Theo đó, mật độ cá trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hiện đã quá nhiều, có khả năng vượt sức tải của dòng kênh.
Cụ thể, trên đoạn kênh dài 9,3 km có khoảng 284.000 con cá với khối lượng tương đương 471 tấn. Trong đó cá rô phi chiếm hơn 84%. Còn lại là cá chép (5,9%), cá trôi (4,1%), cá trê lai (2,3%), cá rô đồng (0,4%), cá tra (0,3%), cá lóc (0,1%)… Vì vậy cần phải có giải pháp tỉa thưa bớt với số cá rô phi cần tỉa thưa khoảng 17.000 con, cá trôi tỉa khoảng 17.000 con, cá chép tỉa khoảng 24.000 con.
Sở NN&PTNT đề xuất dùng lưới vây bao rút chì (còn gọi là lưới rùng) và một số loại lưới có mắt lưới lớn để đánh bắt cá. Cá sau khi đánh bắt sẽ được vận chuyển đưa ra sông Sài Gòn và thả ở những đoạn phù hợp. Tổng kinh phí tỉa cá ước tính khoảng 524 triệu đồng.