Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến các bộ ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Việc rà soát giảm phí này nhằm gia hạn thêm 6 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020.
Dự báo nền kinh tế tiếp tục khó khăn trong năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề xuất đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30-6-2021. Bộ Tài chính ban hành Thông tư để có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021 đảm bảo tính liên tục.
Đồng thời, bộ này đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện, rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực kể từ ngày ký, để kịp thời tiếp tục hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Giảm 50% phí trước bạ giúp kích cầu thị trường ô tô, người dân tiết kiệm từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu, cả tỉ đồng khi mua xe.
Trươc đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Chính phủ Nghị định số 70/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31-12-2020. Trong đó, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 29-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020.
Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, trên cơ sở đề xuất của các bộ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21 điều chỉnh giảm phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng...
Các Thông tư này sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.