ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), trường đại học duy nhất của Triều Tiên được phương Tây cung cấp kinh phí, sẽ bắt đầu học kỳ mùa thu mà không có hàng chục nhân viên người Mỹ sau khi lệnh cấm du lịch Triều Tiên của Washington có hiệu lực từ hôm nay (1-9).
Hai nguồn tin có liên hệ với PUST cho biết ĐH này sẽ bắt đầu các khóa học và lịch dạy mới nhưng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
PUST mở chính thức vào tháng 9-2010 theo sau sáng kiến của một tín đồ Tin Lành người Mỹ gốc Hàn với mục đích tạo môi trường để giảng dạy cho lực lượng trí thức ưu tú tương lai của Triều Tiên những kỹ năng cần thiết để hiện đại hóa đất nước và giao lưu với thế giới bên ngoài.
PUST là là cơ sở đầu tiên và cũng là trường đại học tư duy nhất được thành lập, quản lý và cung cấp kinh phí một phần bởi những hiệp hội và những người bên ngoài Triều Tiên.
Các sinh viên tại ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng trong đợt tốt nghiệp ngày 30-3-2016. Ảnh: PUST
Giữa tháng 7 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một lệnh cấm người Mỹ đi tới Triều Tiên theo sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier. Ngày 19-6, sinh viên Mỹ Otto Warmbier (22 tuổi) đã qua đời tại một bệnh viện ở TP Cincinnati (Mỹ), vài ngày sau khi được Triều Tiên thả về nước trong tình trạng hôn mê. Warmbier đã bị giam giữ 17 tháng ở Triều Tiên vì cáo buộc đánh cắp một biểu ngữ tuyên truyền.
Trong số xấp xỉ 130 người nước ngoài công tác tại ĐH PUST, gồm cả giảng viên tại các khoa, nhân viên và thành viên gia đình của họ, có khoảng 60 người là công dân Mỹ, Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết.
Hiện không ai trong số 60 người Mỹ này nhận được sự cho phép đặc biệt để ở lại. Tất cả được cho hiện đã rời Bình Nhưỡng. “Hoạt động giảng dạy và đặc tính ‘trường tiếng Anh quốc tế’ độc nhất của PUST hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo sau lệnh cấm du lịch của Mỹ” – nguồn tin trên nói.
Lệnh cấm du lịch của Mỹ, tương tự lệnh cấm tới Iraq và Libya trước đây, khiến Triều Tiên trở thành đất nước duy nhất trên thế giới mà người Mỹ hiện bị cấm lui tới. Tuy nhiên, nhà báo và các nhân viên làm việc cho sứ mệnh nhân đạo có thể được áp dụng sự cho phép đặc biệt.
Hiện PUST không rõ làm cách nào và khi nào ĐH này mới có thể xin được miễn trừ. Trong vài tuần qua, ban lãnh đạo PUST đã cố gắng vận động hành lang xin miễn trừ, theo các nguồn tin. Nhà trường hiện đang tham gia các cuộc thảo luận với giới chức Mỹ.
Kể từ khi mở khóa đầu tiên với 50 học sinh hồi năm 2010, ĐH PUST đã có khoảng 500 sinh viên ở hầu hết ba ngành là điện tử và kỹ thuật máy tính, tài chính quốc tế và quản lý, và nông nghiệp và khoa học đời sống.