Tờ The New York Times đưa tin tuần trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch Corona là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Tuy nhiên, nếu tuyên bố thành đại dịch toàn cầu thì ảnh hưởng sẽ ở một mức độ nguy hiểm hoàn toàn khác.
“Virus Corona rất dễ lây truyền và có thể sẽ là một đại dịch" - Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nói với NYT hôm 3-2.
Dịch Corona sẽ bùng phát thành đại dịch toàn cầu? Ảnh: AP
Các tổ chức trên thế giới cũng đưa ra nhiều tiêu chí phân loại một dịch bệnh là “đại dịch”.
Theo WHO, đại dịch là "sự lây lan của một bệnh mới trên toàn thế giới".
Còn Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nói rằng một dịch bệnh lan rộng khắp "một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến nhiều người" thì mới được gọi là dịch bệnh.
“Bùng phát một loại virus có thể được coi là một đại dịch nếu nó khác biệt rõ rệt với các chủng gần đây và con người có ít hoặc không có miễn dịch với loại virus này” - theo định nghĩa từ Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn của Vương quốc Anh.
Còn ngược lại, dịch bệnh được đề cập như là một sự bùng phát cục bộ ở một địa phương, khu vực hơn là toàn cầu.
Vì thế, chuyên gia cùng các tổ chức trên thế giới đang dựa vào các tiêu chí để xem xét khả năng công bố dịch Corona thành đại dịch toàn cầu.
Tiến sĩ Thomas Frieden, cựu Giám đốc CDC, nói với The New York Times rằng: "Đại dịch cũng khó có thể xảy ra vì hiện nay chủng virus này đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nó vẫn có thể lây lan như cúm vì được xem là chủng virus có mức độ lan truyền cao. Còn về mức độ thì lan rộng đến mức nào thì chưa thể nắm được”.
Dịch bệnh virus Corona vẫn đang được kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: REUTERS
Trong ba tuần qua, số ca nhiễm được xác nhận đã lên đến hơn 17.000 người tại hơn 23 quốc gia với gần 360 người tử vong (phần lớn tại Trung Quốc).
Các chuyên gia dịch tễ ước tính số ca nhiễm bệnh có thể tăng lên đến 100.000 và nhiều hơn thế nữa. Mặc dù việc lây truyền không nhanh như cúm hay sởi nhưng đây được xem là một “sự vượt xa nhanh chóng” so với dịch SARS và MERS.
Ngoài ra, tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp nhiễm virus Corona hiện ở mức 2%. Tỉ lệ này vẫn còn thấp so với dịch SARS (10%) và MERS (3%).
Một điều cũng khiến các nhà nghiên cứu quan tâm đó là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, liệu ho và môi trường ô nhiễm có giúp lây lan virus nhanh hơn không và chủng virus này sẽ biến đổi ra sao.
Các chuyên gia nói rằng hiện virus Corona vẫn chưa tác động đến khu vực châu Phi. Đáng nói là tại châu lục này có hơn 1 triệu lao động Trung Quốc cho các ngành khai thác mỏ, xây dựng. Chính vì vậy, đây được cho là một yếu tố để xem xét có công bố dịch Corona thành đại dịch toàn cầu hay không, theo The New York Times.