Trung Quốc thử thuốc kháng virus trên 270 bệnh nhân Corona

Trung Quốc bắt đầu tiến hành thử nghiệm loại thuốc mới trong điều trị bệnh nhân nhiễm chủng virus Corona mới, báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin.

Loại thuốc này là thuốc kháng virus Remdesivir do Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences, Inc. (Mỹ) sản xuất. Đây là một loại thuốc thử nghiệm vốn được sản xuất để điều trị các bệnh truyền nhiễm như Ebola (sốt xuất huyết) và SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) nhưng chưa được cấp phép sử dụng để chữa bất kỳ bệnh nào.

Trung Quốc nhận thuốc kháng virus Remdesivir từ Mỹ

Tuy thế có một số bằng chứng cho thấy thuốc này hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm chủng virus Corona mới. Thuốc này đã được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm đầu tiên ở Mỹ tuần trước - một nam giới 35 tuổi và tình trạng người này tiến triển tốt chỉ trong một ngày sau khi dùng thuốc.

Gilead đã quyên một số lượng liều Remdesivir cho Trung Quốc.

Đường phố Bắc Kinh (Trung Quốc) vắng vẻ trong mùa dịch Corona. Ảnh: AFP

Đường phố Bắc Kinh (Trung Quốc) vắng vẻ trong mùa dịch Corona. Ảnh: AFP

Ngày 3-2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết việc thử nghiệm thuốc Remdesivir được thực hiện ở nhiều bệnh viện tại Vũ Hán - tâm dịch Corona. Sẽ có 270 bệnh nhân tham gia quá trình thử nghiệm này, báo Thepaper.cn đưa tin.

Ngày 2-1, nhà nghiên cứu bệnh dịch Trung Quốc Zhong Nanshan - chuyên gia hàng đầu nước này trong cuộc chiến chống dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), khẳng định dù hiện chưa có vaccine ngừa hay thuốc điều trị bệnh nhưng vẫn có một số cách điều trị mang lại hiệu quả.

Nhà nghiên cứu bệnh dịch Trung Quốc Zhong Nanshan – chuyên gia hàng đầu nước này trong cuộc chiến chống dịch SARS nói vẫn có một số cách điều trị mang lại hiệu quả với chủng virus Corona mới. Ảnh: THX

Nhà nghiên cứu bệnh dịch Trung Quốc Zhong Nanshan - chuyên gia hàng đầu nước này trong cuộc chiến chống dịch SARS, nói vẫn có một số cách điều trị mang lại hiệu quả với chủng virus Corona mới. Ảnh: THX

“Chúng tôi đã phát triển một kế hoạch điều trị hiệu quả dựa trên kinh nghiệm đối với dịch SARS, bằng cách sử dụng nhiều phương thức hỗ trợ sự sống nhằm đạt được tỉ lệ hồi phục cao hơn” - ông Zhong nói với Tân Hoa Xã.

Gần 500 người khỏi bệnh

Tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố phiên bản thứ tư kế hoạch điều trị nhằm hướng dẫn nhân viên y tế tại các bệnh viện khắp nước. Kế hoạch điều trị này đề nghị sử dụng các loại thuốc kháng virus thường được dùng chữa trị các bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV), như lopinavir và ritonavir.

Với các ca nghiêm trọng hơn, các bệnh viện được khuyên tránh để xảy ra biến chứng, cung cấp thiết bị hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, các hệ hô hấp và tuần hoàn.

Chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân tại bệnh viện Zhongnan thuộc đại học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: THX

Chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân tại Bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: THX

Từ quan sát điều trị có thể thấy đa số các trường hợp nguy kịch thường xảy ra với các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh sẵn trong người như tiểu đường hay bệnh tim. Nhiều bệnh nhân không qua khỏi vì bị suy các cơ quan trong cơ thể.

Một chuyên gia hô hấp ở tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết các điều trị được khuyến nghị trong kế hoạch của Ủy ban Y tế Quốc gia chủ yếu là cung cấp các biện pháp hỗ trợ cơ thể người bệnh chiến đấu với virus, như cho thở ôxy.

Tính tới ngày 3-2 đã có tổng cộng 477 bệnh nhân ở Trung Quốc đại lục hồi phục và xuất viện.

Trong số các bệnh nhân hồi phục có ông Wang Guangfa - một chuyên gia hô hấp ở Bệnh viện Số 1 Đại học Bắc Kinh. Ông Wang bị nhiễm vì không mang kính bảo hộ khi đi thăm các bệnh nhân ở Vũ Hán đầu tháng 1. Trao đổi với truyền thông ông Wang cho biết ông hồi phục sau khi uống thuốc kháng virus và nghỉ ngơi.

Tín hiệu khả quan từ các nước

Bên ngoài Trung Quốc các nước cũng tích cực nghiên cứu thuốc và biện pháp điều trị. Tại Mỹ, hiện các nhà thuốc đang tiêu thụ mạnh loại thuốc Kaletra dùng trong điều trị HIV, có giá khá đắt.

Người dân mang khẩu trang mua sắm tại một siêu thị ở bang California (Mỹ) ngày 31-1. Ảnh: AP

Người dân mang khẩu trang mua sắm tại một siêu thị ở bang California (Mỹ) ngày 31-1. Ảnh: AP

Một số công ty Mỹ đang nghiên cứu bào chế vaccine. Với công nghệ hiện đại, tiến trình bào chế có thể chỉ trong vài ngày nhưng với quy trình bắt buộc phải thử nghiệm trên động vật rồi tới người thì sẽ phải mất từ nửa năm cho tới một năm mới có thể sử dụng đại trà.

Tại Ấn Độ, hàng chục nhà sản xuất dược phẩm không có tên thương mại đang tăng cường sản xuất các loại thuốc điều trị HIV vốn dành cho thị trường châu Phi.

Bác sĩ bang Hyderabad (Ấn Độ) tại một khu vực cách ly người trở về từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Bác sĩ bang Hyderabad (Ấn Độ) tại một khu vực cách ly người trở về từ Trung Quốc. Ảnh: AP

Ngày 2-2, một số bác sĩ Thái Lan cho biết đã điều trị thành công một số bệnh nhân nhiễm virus Corona nghiêm trọng bằng một công thức thuốc đặc biệt, phối hợp giữa các loại thuốc điều trị HIV lopinavir và ritonavir cộng với thuốc trị cúm oseltamivir liều cao. Kết quả điều trị ban đầu cho thấy tình trạng sức khỏe các bệnh nhân tiến triển rất tốt sau 48 giờ dùng công thức thuốc này. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang phối hợp với các đối tác đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị chủng virus Corona mới. Cũng theo WHO, kháng sinh không hiệu quả với virus, chỉ hiệu quả với các bệnh nhiễm khuẩn nhưng trong trường hợp này các bệnh nhân có thể được cho uống kháng sinh để chống đồng nhiễm.

Tình hình dịch Corona tính đến tối 3-2
Tình hình dịch Corona tính đến tối 3-2
(PLO)- Tính đến tối 3-2, đã có 17.485 người nhiễm virus Corona và 362 trường hợp tử vong. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm gần 8% trong phiên làm việc cùng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm