Dịch COVID-19: Trung Quốc thành công nhưng chưa hết lo

Trong báo cáo ngày 19-3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (TQ) cho biết đại lục lần đầu tiên ghi nhận không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1-2020, theo tờ China Daily.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới có nguồn gốc nước ngoài tăng 34 ca - mức cao nhất trong ngày ghi nhận trong hai tuần qua. Trong đó, 21 ca ở Bắc Kinh, chín ca tại Quảng Đông, hai ca tại Thượng Hải, một ca tại Hắc Long Giang và một ca ở Chiết Giang. Tổng số ca nhiễm từ nước ngoài vào TQ đại lục hiện dừng ở 189 ca.

Nếu so sánh với thời kỳ đỉnh điểm của dịch COVID-19, đưa được số ca nhiễm mới về không có thể coi là kỳ tích trong khâu kiểm soát dịch bệnh tại nước này. Để đạt được thành công lớn như vậy, nhà chức trách Bắc Kinh đã thực hiện quyết liệt một loạt biện pháp mà các nước khác có thể tham khảo, theo bình luận của tờ The Financial Times.

Giải mã thành công của Trung Quốc

Trước tiên, Bắc Kinh rất xem trọng công tác giám sát, báo cáo và cập nhật tình hình dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh bùng phát tại tâm dịch Vũ Hán, nhà chức trách y tế TQ đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và đưa COVID-19 vào danh mục báo cáo thường xuyên về bệnh truyền nhiễm.

Song song với đó là xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường chẩn đoán, giám sát và thống kê diễn biến dịch. Ủy ban Y tế Quốc gia TQ hằng ngày đều thông báo về diễn biến dịch, trong khi các chuyên gia liên tục được chính quyền mời chia sẻ và giải đáp những câu hỏi của người dân.

Tiếp theo, biện pháp tăng cường kiểm soát đi lại và cách ly nhanh chóng được áp dụng rộng rãi. Hệ thống thẻ khai báo sức khỏe được thiết lập trên tất cả hướng ra vào các thành phố lớn. Các sở giao thông vận tải thiết lập hàng ngàn trạm kiểm tra sức khỏe và kiểm dịch tại các khu dịch vụ quốc gia cũng như lối ra vào tại các nhà ga, bến cảng.

Mọi công dân đều phải đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng. Tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, đã triển khai các biện pháp kiểm soát gắt gao nhất, kể cả tạm dừng toàn bộ hệ thống giao thông công cộng trong đô thị như tàu điện ngầm, phà và xe khách đường dài. Quyết liệt hơn cả là quyết định phong tỏa, cách ly hoàn toàn tỉnh Hồ Bắc để hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19.

Các nhân viên y tế động viên lẫn nhau trước khi bước vào khu vực cách ly ở Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Hồ Bắc ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Một biện pháp rất quan trọng khác là công tác điều trị bệnh. The Financial Times ghi nhận TQ áp dụng nguyên tắc bốn tập trung, gồm tập trung các bệnh nhân, tập trung các chuyên gia y tế, tập trung các nguồn lực và tập trung điều trị trong các cơ sở y tế đặc biệt. Tất cả tỉnh, thành trên đại lục tiến hành chuyển đổi các bệnh viện liên quan, thiết lập bệnh viện dã chiến, cử thêm nhân viên y tế nhằm giảm thiểu tối đa tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nặng.

Biện pháp quan trọng tiếp theo là công tác điều tra dịch tễ và quản lý tiếp xúc gần. Biện pháp này được thực hiện khẩn trương đối với mọi trường hợp nghi ngờ và được xác nhận dương tính với virus nhằm nhận diện những nguồn lây truyền. Các biện pháp kiểm soát thích hợp, kể cả truy tìm những người đã tiếp xúc gần với đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh cũng được thực thi.

Bên cạnh đó, giải pháp hạn chế tụ họp đông người, kiểm dịch nghiêm ngặt ở nơi công cộng cũng được áp dụng quyết liệt với quy mô quốc gia. Tất cả tỉnh, thành đều chủ động hủy hoặc dừng các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội, sự kiện thể thao, đóng cửa các điểm du lịch, rạp chiếu phim và trường học. Các doanh nghiệp và tổ chức hoãn thời gian làm việc trở lại hoặc tổ chức làm việc trực tuyến.

Không thể không nhắc đến biện pháp huy động sức mạnh của cộng đồng. Đầu tiên là việc chính quyền đứng ra thanh toán chi phí điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mắc COVID-19, cũng như nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận, chi trả vật tư y tế, cung cấp đồ bảo vệ cá nhân và đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho người bệnh.

Đóng vai trò không kém phần quan trọng là vận động xã hội và gắn kết cộng đồng. Các trung tâm y tế, tổ chức cộng đồng đã được huy động tham gia hỗ trợ những hoạt động phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh. Nhà chức trách tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đầy đủ vào việc quản lý tự cách ly và đảm bảo sự tuân thủ của người dân.

Tính đến 20 giờ ngày 19-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế Quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 9.177 người tử vong vì COVID-19, 217.845 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 84.234 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. 

Bắc Kinh vẫn chưa thể hết lo

các chuyên gia cảnh báo đại lục vẫn chưa hoàn toàn an toàn với các ca lây nhiễm nội bộ và cần duy trì liên tục 14 ngày không có thêm ca lây nhiễm trong nước thì mới có thể được xem là đã kiểm soát được bệnh dịch lây lan, theo hãng tin Bloomberg.

“Rõ ràng các biện pháp mà TQ áp dụng đã chặn lại được đợt bùng phát đầu tiên. Câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu có một đợt lây nhiễm khác, vì giải pháp của Bắc Kinh tôi cho rằng không có tính bền vững trong thời gian dài” - chuyên gia Ben Cowling thuộc ĐH Hong Kong nhận định.

Chính bản thân virus SARS-CoV-2 cũng khiến nguy cơ dịch tái phát tăng lên. Đây là loại virus khó phát hiện hơn và tồn tại lâu hơn so với chủng Corona từng gây ra dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) năm 2003, khiến những đợt bùng phát tiếp theo càng khó ngăn chặn và nguy hiểm hơn.

Ngoài ra, những đại dịch năm 1889 và năm 1918 cũng do virus cúm có mức độ lây lan tương đương gây ra đều có ba làn sóng lây nhiễm với mức độ nghiêm trọng tăng dần. Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chỉ trong một năm đã có ba đợt bùng phát và hai làn sóng sau khiến gần 50 triệu người tử vong.

Một số nhà khoa học cũng cho rằng virus gây dịch COVID-19 thích nghi theo mùa và trong tương lai sẽ tái bùng phát vào mùa đông. Do vậy, TQ cần nhanh chóng chuyển trọng tâm từ chiến đấu với virus sang tìm cách sống chung với nó.

“Virus vẫn đang phát triển và biến đổi, do đó kiểm soát hoàn toàn là không thể. Cách duy nhất là hiểu rõ về nó, thích nghi và đảm bảo rằng virus sẽ không tái bùng phát vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế” - chuyên gia thuộc Công ty tư vấn rủi ro Anbound (TQ) Chan Kung nhận định.

Gần 25 triệu người có thể mất việc vì COVID-19

Hãng tin AFP ngày 19-3 dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của COVID-19, cơ quan này dự báo số người thất nghiệp trên thế giới sẽ tăng trong khoảng 5,3-24,7 triệu người. Đây là một dự đoán lo ngại khi so với con số 22 triệu người thất nghiệp trong khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Dù vậy, ILO cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động thế giới có thể giảm đáng kể nếu có một chính sách ứng phó phối hợp cấp độ toàn cầu. Các biện pháp được ILO đề xuất bao gồm hỗ trợ người lao động bằng các việc làm ngắn hạn hoặc nghỉ việc có lương, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng như giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm