Chúng tôi đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào ngày 23 Tết, ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Nghĩa trang những ngày này nghi ngút khói hương, hàng ngàn ngôi mộ như khoác lên mình màu áo mới khi được dọn cỏ, sơn sửa lại. Những người dọn mộ thuê vẫn hài hước gọi nghề của mình là nghề làm đẹp cho mộ người chết.
20 năm ăn Tết trong nghĩa trang
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị An (sinh năm 1968, trú tại phường 14, Quận Tân Bình). Chị gắn bó với nghề này từ khi còn là đứa trẻ con, suốt thời con gái cho đến khi đã là mẹ của hai đứa trẻ. “Sinh ra ở đây từ nhỏ, tính ra cũng ở Sài Gòn ngót nghét gần 50 năm mà tôi chưa biết được bao nhiêu đường Sài Gòn. Vì có đi đâu đâu, suốt ngày ở trong nghĩa trang này. Năm 1996, sau khi sinh con, vì con còn nhỏ nên Tết tôi ôm cả hai đứa cùng vào đây đón Tết”.
Chị Nguyễn Thị An 20 năm ăn Tết trong nghĩa trang_Ảnh: Nguyễn Trà
Bắt đầu từ 20 tháng Chạp (Âm lịch), chị mắc võng ngủ lại trong căn chòi nhỏ cho đến hết ngày 29. Sáng mồng 1 chị lại ra thắp hương, lau chùi quét dọn tiếp. Trước chị làm một mình, nhưng giờ tuổi đã cao lại bệnh tật nên chị rủ thêm 3 người nữa vào đây cùng làm phụ. Nhất là những ngày Tết, người thuê nhiều, lại yêu cầu làm trong có mấy ngày gấp gáp nên càng cần người hơn. “Có người thuê xong, mình quét dọn, sơn sửa lại sạch sẽ rồi nhưng hôm đến tảo mộ thì quỵt nợ. Họ bảo phải có người trả tiền rồi thì mới làm chứ. Rồi có người đến gặp chúng tôi thì trốn mất, rồi có người lại bảo đây là do nhà nước làm. Những trường hợp như vậy hiếm lắm. Có lần, chúng tôi bực bảo năm sau không làm nữa.” Nói là vậy nhưng cứ đến Tết, thấy vài ngôi mộ chỏng chơ trơ trọi chị lại hì hục làm giúp vì “cái tâm mình làm người chết hiểu là được rồi. Thay vì đi chùa chiền thì mình làm mộ cho người ta. Để vậy tội lắm.”
Chiếc bàn thiêng chị An dựng nên cho những phần mộ vô chủ_Ảnh: Nguyễn Trà.
Chị kể những ngày thường làm ở đây chỉ kiếm được vài ba chục ngàn nhưng những ngày Tết thu nhập của chị lên tới hơn chục triệu: đó là tiền công tu sửa, dọn dẹp, cũng là tiền khách lì xì thêm.
Nhờ ơn người đã khuất
Những ngày này, những người làm nghề tảo mộ thuê thường dựng những căn chòi nhỏ hoặc mang võng mắc vào bóng cây nghỉ ngơi luôn trong nghĩa trang. Hơn 12h trưa, khi nhiều người đang tranh thủ chợp mắt, chỉ còn người đàn ông gầy đen, trán lấm tấm mồ hôi đang ngồi nghỉ mát dưới bóng cây, bàn tay anh vẫn còn lấm lem vết sơn của một buổi sáng làm việc cật lực. Anh là Nguyễn Đình Chiến (tên thường gọi là anh Cu). Ngày thường anh bán vé số, nhưng mấy ngày này anh cũng vào nghĩa trang ai thuê tảo mộ thì anh làm.
Chỉ vào ngôi mộ vừa sơn sửa gọn gàng gần đó, anh hào hứng chia sẻ đó là thành quả của anh trong buổi sáng nay. “Tui mới làm nên không quen chỉ làm được chừng đó. Người ta cho tui hai trăm thuê dọn cỏ với quét lại sơn cho sạch sẽ. Tui dọn cỏ xong thì tui quét sơn. Mấy ngày này người ta đi dọn mộ thuê nhiều lắm, người ít thì cho hơn trăm, người nhiều thì cho hai ba trăm, người ta dành nhau làm”, anh Chiến kể chuyện.
Để không xảy ra tranh chấp khi có người thuê tảo mộ, những người làm nghề tảo mộ thuê ở đây thường tự phân chia khu vực cho nhau. Và thường người đứng đầu là người đã làm việc ở đây lâu năm. Bởi vậy, những người làm ở đây thường gọi các khu mộ là “khu dì An, khu cô Tuyết, khu bà Đen…” thay cho khu A hay khu B dễ làm việc hơn.
Có người ngày thường làm thợ hồ, thợ xây, bán hủ tíu… đến gần Tết lại đổ xô về đây làm thuê và với họ công việc này cho khoản thu nhập kha khá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy theo mức độ công việc mà giữa người thuê tảo mộ và người làm thỏa thuận với nhau cho hợp lý. Tuy nhiên thông thường việc làm cỏ cho 1 ngôi mộ thường có giá 300 -500 ngàn đồng, những ngôi mộ cần cạo vôi quét sơn (thường là những ngôi mộ người nhà mới tìm ra) thì phải hơn 1 triệu vì mất nhiều thời gian công sức hơn.
Và vội bát cơm, anh No (có vợ tên… Nê) cũng chia sẻ, anh phải ăn thêm để chiều còn có sức làm việc. Anh kể vợ anh, chị Nê làm ở đây đã hơn 20 năm nay, bình thường anh làm thợ hồ, đến gần Tết thì vào phụ vợ làm công việc tảo mộ thuê để kiếm thêm thu nhập.
Anh No bảo xây mộ mới thì thợ hồ làm quanh năm nhưng các dịch vụ tảo mộ, tu sửa thì chỉ đắt khách vào dịp gần Tết. Ngoài tiền công, nhiều vị khách rộng rãi còn lì xì thêm. “Ngày 24, 25 ở đây mới bắt đầu nhộn nhịp, hôm nay còn vắng lắm. Đối với những phần mộ vô thừa nhận hay bị gia chủ bỏ hoang vợ tôi vẫn thường xuyên chăm sóc dọn dẹp. Mấy ngày Tết, dù không được trả công, mấy người chúng tôi vẫn quét dọn, dọn cỏ lại cho sạch sẽ, để vậy nhìn bơ vơ lắm. Mình làm vậy cũng là tích đức cho con cháu mình sau này”.