Điểm tin 24-3: Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt chưa từng có đối với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga

. Mỹ ngày 24-3 đã mở rộng danh sách trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách các thực thể và cá nhân mà phía Washington coi là "tác nhân chính” trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

“Điều này bao gồm hàng chục công ty quốc phòng Nga, 328 thành viên của Duma Quốc gia Nga, và người đứng đầu tổ chức tài chính lớn nhất của Nga. Hành động này phù hợp với các hành động tương tự của Liên minh châu Âu, Anh và Canada, đồng thời phản ánh sự thống nhất để buộc (Tổng thống Nga Vladimir) Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến” – tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.

Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: UKRINFORM 

. Giới chức trách Anh hôm 24-3 đã thêm một số ngân hàng, công ty và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng của Nga vào danh sách đen, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo danh sách được cập nhật hôm 24-3, 59 cá nhân và pháp nhân từ Nga bị áp đặt các biện pháp hạn chế. Các pháp nhân này gồm ngân hàng Gazprombank, ngân hàng nông nghiệp Nga, ngân hàng Alfa-Bank, ngân hàng SMP và ngân hàng tái thiết và phát triển Ural.

Bình luận về các lệnh trừng phạt mới, Ngoại trưởng Anh - bà Liz Truss - nói rằng London "sẽ tiếp tục siết chặt và sử dụng các biện pháp trừng phạt để làm suy giảm nền kinh tế Nga trên quy mô mà Điện Kremlin, hoặc bất kỳ nền kinh tế lớn nào, chưa từng thấy trước đây".

. Cùng ngày, ông Dmitry Rogozin - Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ Roscosmos (Nga) - cho biết châu Âu đã phá vỡ mối quan hệ hợp tác khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Roscosmos, nhấn mạnh rằng các tên lửa dùng để phóng vệ tinh của châu Âu giờ đây sẽ được sử dụng cho các công ty Nga hoặc các “quốc gia thân thiện với Moscow”.

Ông Rogozin nói thêm rằng điều này sẽ áp dụng cho khoảng 10 tên lửa.

Ông Dmitry Rogozin - Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ Roscosmos (Nga). Ảnh: CFP

Chiến sự

. Hãng thông tấn nhà nước Ukrinform dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 24-3 cho biết trong hơn một tháng chiến sự nổ ra ở Ukraine, gần 15.800 quân Nga đã thiệt mạng.

Theo cơ quan này, tổng thiệt hại quân lực của Nga từ ngày 24-2 đến ngày 23-3 xấp xỉ như sau: gần 15.800 quân, 530 xe tăng chiến đấu chủ lực, 1.597 xe chiến đấu bọc thép, 280 đơn vị pháo binh, 82 hệ thống MLR, 47 hệ thống phòng không, 108 máy bay chiến đấu, 124 máy bay trực thăng, 1.033 xe quân sự, bốn tàu, 72 xe bồn chở xăng dầu, 50 UAV cấp chiến thuật, và 16 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Ukrinform trước đó đưa tin Hải quân Ukraine đã phá hủy một tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga ở cảng Berdiansk trên Biển Đen.

. Theo hãng thông tấn TASS, Văn phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tại Trung tâm Phối hợp Kiểm soát và Điều phối các lệnh ngừng bắn cho biết quân đội Ukraine hôm 24-3 đã bắn năm quả rocket từ pháo BM-21 Grad vào thành phố Yasinovataya của DPR.

Trong khi đó, Ukrinform đưa tin lực lượng Nga cùng ngày đã nã pháo hạng nặng vào một khu dân cư ở Vyshhorod, một thị trấn ngoại ô Kiev. Một khu chung cư ở ngoại ô Vyshhorod đã bị hư hại trong vụ việc, theo hãng tin.

. Ngày 24-3, cuộc trao đổi tù binh chiến tranh chính thức đầu tiên giữa Ukraine với Nga đã diễn ra, theo Ukrinform.

"Hôm nay, theo lệnh của Tổng thống Zelensky, cuộc trao đổi tù binh chiến tranh chính thức đầu tiên đã diễn ra. Mười quân nhân của chúng tôi đã được thả để đổi lấy 10 người Nga bị bắt" - Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo trên kênh Telegram.

Theo bà Vereshchuk, 11 thủy thủ dân sự Nga được cứu khỏi một con tàu bị chìm gần Odessa cùng ngày cũng đã được đưa về Nga.

Liên quan kết quả của cuộc trao đổi, 19 thủy thủ dân sự Ukraine từ tàu cứu hộ Sapphire, vốn bị lực lượng của Nga bắt giữ khi đang cố gắng đưa quân đội Ukraine khỏi đảo Zmiinyi, đã trở về nhà.

Theo các điều khoản trao đổi, tàu cứu hộ cũng sẽ được trao trả cho Ukraine và được đưa đến một cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng từ các bên 

. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 24-3 đã gọi Mỹ là “bên dối trá và gây rối”, đồng thời nói rằng “mọi người đều biết” quốc gia nào là “bên khơi mào lớn nhất” cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đài RT đưa tin.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc – ông Ngô Khiêm (Wu Qian) – đưa ra phát ngôn trên sau khi có các cáo buộc từ các quan chức Mỹ giấu tên rằng Bắc Kinh đã biết trước về chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine và Trung Quốc thậm chí đã yêu cầu Moscow trì hoãn việc này cho đến sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Ông Ngô lên án các cáo buộc, cùng các thông tin về việc Trung Quốc được cho là cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga, nói rằng có “thông tin sai lệch tuyệt đối ” chỉ phục vụ mục đích “đổ lỗi cho Trung Quốc và ném bùn vào Trung Quốc”.

Người phát ngôn nhấn mạnh rằng chiến sự tại Ukraine xuất phát từ nhiều lý do khác nhau và trong một “bối cảnh lịch sử phức tạp ”. Ông Ngô nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn “tất cả các bên mở cửa cho đối thoại, tham vấn và đàm phán để giảm leo thang” tình hình ở Ukraine, đồng thời Trung Quốc sẽ đóng một “vai trò mang tính xây dựng trong việc tìm kiếm và hiện thực hóa hòa bình”.

Ông cũng kêu gọi một “một kiến trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững”.

. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – hôm 24-3 nói rằng Ukraine cùng các nước EU đã trở thành "công cụ" của Mỹ.

. Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky - hôm 24-3 đã kêu gọi nhóm G7 áp đặt lệnh cấm vận thương mại hoàn toàn với Nga, phong tỏa hoàn toàn tất cả ngân hàng của nước này và tước bỏ cơ hội sử dụng hệ thống định vị GPS của Nga trong chiến sự.

Ông Zelensky nói thêm rằng các ngân hàng Nga và quan trọng nhất là Ngân hàng Trung ương Nga phải bị phong tỏa hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. 

“Nga đã phá hủy cấu trúc an ninh toàn cầu và giáng một đòn mạnh vào các mối quan hệ quốc tế. Nhưng điều này chỉ là khởi đầu. Nối tiếp cuộc chiến này có thể là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Không còn hòa bình trên đất Ukraine, thị trường thế giới sẽ nhận được càng ít lương thực từ Ukraine. Do đó, nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và thậm chí cả châu Âu, có thể gặp khó khăn bất thường trong việc tiếp cận các loại hàng hóa cơ bản, hay với giá lương thực. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất ổn chính trị” - ông Zelensky nói.

. Theo hãng tin Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh ba bên chưa từng có ở Brussels hôm 24-3, liên minh NATO, các quốc gia nhóm G7 và các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề cập cuộc xung đột tồi tệ nhất của lục địa kể từ các cuộc chiến tranh Balkan những năm 1990.

Các nhà lãnh đạo phương Tây hôm 24-3 đã tố cáo chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine là "dã man" trong bối cảnh hàng nghìn người dân ở các thành phố đang bị bao vây phải trú ẩn dưới lòng đất khỏi sự oanh tạc từ Nga.

NATO đã công bố kế hoạch thành lập các đơn vị chiến đấu mới tại bốn quốc gia Đông Âu gần Ukraine. 

. Theo Liên Hợp Quốc, chiến dịch quân sự của Nga từ ngày 24-2 đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, 3,6 triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài, nhiều thành phố bị hư hại và hơn một nửa số trẻ em Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, Reuters cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm