Ngày 12-1, Văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ điều tra việc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) quyết định thông báo điều tra lại vụ email của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton sát ngày bầu cử tổng thống 8-11-2016.
Reuters dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng Thanh tra cho biết, cuộc điều tra sẽ tập trung tìm nguyên nhân dẫn đến việc Giám đốc FBI James Comey tuyên bố điều tra lại vụ bà Clinton dùng địa chỉ email riêng trong thời gian làm Ngoại trưởng.
Tổng Thanh tra Michael Horowitz cho biết Bộ Tư pháp quyết định mở cuộc điều tra “nhằm đáp ứng yêu cầu từ hàng loạt chủ tịch và thành viên cấp cao của các ủy ban quốc hội, các tổ chức và cả người dân”.
Ông Comey 2 lần chính thức tuyên bố điều tra vụ email của bà Clinton.
Lần 1 là vào tháng 7. Sau thời gian điều tra, ông Comey điều trần trước Quốc hội nói rằng bà Clinton đã có sự “bất cẩn nghiêm trọng” nhưng không truy tố.
Lần 2 là vào tháng 10-2016, chỉ chưa đầy 2 tuần trước ngày bầu cử. Ông Comey gửi đến Quốc hội một lá thư nói rằng FBI sẽ lật lại vụ điều tra vì xuất hiện một số email liên quan trong máu tính của cựu nghị sĩ Anthony Weiner, chồng một trợ ký cấp cao của bà Clinton.
Đáng nói trước đó vài ngày Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã nói với ông Comey rằng quyết định của ông đi ngược lại quy định của Bộ Tư pháp là “không chọn thời điểm điều tra vì mục đích ảnh hưởng đến bầu cử”.
Tuy nhiên bà Lynch đã không chính thức yêu cầu ông Comey không làm thế, một quan chức chính phủ cấp cao đã nói với Reuters thời điểm đó.
Đến ngày 6-11-2016, 2 ngày trước khi bầu cử diễn ra, ông Comey tuyên bố cuộc điều tra máy tính ông Weiner không đưa ra chứng cứ mới dẫn đến truy tố bà Clinton.
Ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton nói về việc FBI lật lại vụ email của bà sát ngày bầu cử, trong cuộc họp báo ngày 28-10-2016. Ảnh: REUTERS
Dù cuối cùng FBI vẫn không truy tố bà Clinton, đảng Dân chủ vẫn cáo buộc quyết định thông báo lật lại vụ việc sát ngày bầu cử là một yếu tố khiến bà thất bại. Ông Comey bị chỉ trích có động cơ chính trị trong quyết định này.
Theo Văn phòng Tổng Thanh tra, nếu phát hiện có bằng chứng FBI cố tình có hành vi sai trái, các cá nhân liên quan sẽ chịu hình thức kỷ luật.
Trong ngày 12-1, ông Comey nói rằng ông hoàn toàn thoải mái thậm chí biết ơn ông Horowitz cũng như với cuộc điều tra và FBI sẽ hợp tác tốt.
“Ông ấy là người chuyên nghiệp và độc lập...Tôi rất hy vọng ông ấy sẽ có thể đưa ra kết luận và xác minh sự việc trước công chúng, vì sự đánh giá toàn diện và minh bạch về vấn đề này sẽ có lợi cho tất cả mọi người” – ông Comey nói về Tổng Thanh tra Horowitz và cuộc điều tra.
Tổng thống đắc cử Donald Trump – sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 tới - sẽ không có quyền hủy cuộc điều tra của Văn phòng Tổng Thanh tra. Tuy nhiên luật liên bang cho phép các tổng thống hủy bỏ chức vụ tổng thanh tra các cơ quan cấp liên bang, tuy nhiên Quốc hội chỉ giải quyết đề nghị này của sau 30 ngày nhận đơn đề nghị từ tổng thống.
Bản thân ông Trump thường xuyên chỉ trích vụ bê bối này của bà Clinton. Trong một cuộc tranh luận hồi tháng 10 ông Trump thậm chí còn tuyên bố một khi trở thành tổng thống ông sẽ cho bà Clinton đi tù. Tuy nhiên sau đó ông Trump tuyên bố lại sẽ không theo đuổi truy tố bà Clinton.