Sáng nay, 13-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 tại thành phố Lào Cai. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Lũ quét xóa sổ cả bản làng
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết trung bình hàng năm, thiên tai làm 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm từ 1-1,5% GDP. Riêng tại khu vực miền núi phía Bắc (MNPB), 20 năm gần đây đã xảy ra 590 trận lũ quét, 92 đợt rét đậm, rét hại.
Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 tại thành phố Lào Cai. Ảnh: CT
"Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai lớn nhất thường xuyên xảy ra tại khu vực MNPB. Điển hình như năm 2015 lũ quét, sạt lở đất làm 99 người chết và mất tích; Năm 2017 làm 71 người chết và mất tích" - ông Hoài thông tin.
Cùng với lũ quét, sạt lở đất thì rét hại, băng giá cũng thường xảy ra trên diện rộng tại khu vực này. Năm 2008, rét hại, băng giá làm 52.000 con trâu bò bị chết, hàng trăm ngàn ha lúa bị hư hại, thiệt hại lên tới 400 tỉ đồng. Năm 2016, rét hại và băng giá tiếp tục gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng.
Những tháng đầu năm 2020, khu vực này cũng xảy ra 92 trận giông, lốc, mưa đá... nhiều hơn con số cả năm 2019. Trong đó tám đợt trên diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái; hai trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, rủi ro thiên tai cấp độ 4. Tính đến ngày 30-6, thiệt hại ước tính khoảng 610 tỉ đồng.
Đánh giá về tình hình thiên tai sáu tháng cuối năm, ông Hoài cho biết khu vực này có nhiều điểm tương đồng với phía Nam Trung Quốc. "Trong điều kiện vừa trải qua thời kỳ nắng hạn kéo dài nên nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại đây tương tự như đang xảy ra Trung Quốc là rất lớn, cần được quan tâm đặc biệt" - ông Hoài nói.
Năm nay, mùa đông sẽ đến sớm
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết Việt Nam mặc dù không nằm trong vành đai lửa của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới nhưng mối hiểm họa động đất vẫn có nguy cơ khá cao.
Theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, trong tương lai động đất có thể tiếp tục xảy ra tại khu vực MNPB, cường độ lớn nhất xảy ra tại khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La... có thể đến cấp 8-9.
Thông tin về hiện tượng Enso, ông Mai Xuân Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: "Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể. Từ tháng 9 năm nay, mưa bão có khả năng gia tăng hơn, lượng mưa trong tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%".
Năm nay có khả năng xuất hiện các đợt không khí lạnh sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Mùa đông ở Bắc bộ có thể đến sớm và rét sớm hơn.
Sạt lở đất tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: CT
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết khu vực MNPB có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề môi trường.
Từ đầu năm đến nay, khu vực này đã xảy ra gần 100 dạng hình thái thiên tai với các đợt mưa, mưa đá, tố, lốc.. gấp đôi bình quân hàng năm.
"Đây là vùng điển hình, luôn phải chuẩn bị trước các kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan nóng nhất - lạnh nhất, hạn nhất - mưa lũ lớn nhất.
Để ứng phó với các hình thái cực đoan, không cách nào khác là chủ động tăng cường năng lực dự báo, ứng phó, khắc phục và tái sản xuất theo phương châm bốn tại chỗ.
Ở cơ sở, chính quyền cơ sở, người dân nâng cao năng lực ứng phó thiên tai là một trong những biện pháp ban đầu quan trọng nhất, quyết định nhất" - Bộ trưởng Cường khẳng định.