Vụ lật ca nô 17 người chết: Bài học xương máu

Chiều 1-3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã chủ trì buổi họp báo thông tin về vụ lật ca nô chở khách du lịch ở biển Cửa Đại (TP Hội An) khiến 17 người chết.

“Vụ tai nạn chìm tàu (ca nô - PV) là sự cố vô cùng đau thương, gây mất mát rất lớn về nhân mạng của du khách, chúng tôi rất lấy làm đau buồn. Sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, giải quyết hậu sự cho công dân bị nạn” - ông Thanh mở đầu buổi họp.

Chiếc ca nô bị nạn khiến 17 người tử vong tại biển Cửa Đại (Quảng Nam).
Ảnh: THANH NHẬT

Tất cả người văng ra hoặc thoát ra đều được cứu sống

Thông tin về công tác cứu hộ cứu nạn, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết: Nhận thông tin vụ tai nạn, sau khoảng 7-10 phút lực lượng cứu hộ cứu nạn đã có mặt ở hiện trường và huy động các tàu đang hoạt động tham gia.

“Chưa bao giờ lực lượng cứu hộ ứng cứu nhanh như vậy. Ngay khi tàu bị chìm chỉ 3-4 phút sau đã có người ở đó, tàu của lực lượng biên phòng cũng xuất hiện sau 7-10 phút. Những người trôi ra được vớt ngay, còn những người bị kẹt chúng tôi phải lặn xuống lôi ra, đau thương lắm!” - Đại tá Nam nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết tuyến du lịch Hội An - Cù Lao Chàm: “Chìm thuyền, lật ca nô vẫn có, có năm ba vụ nhưng không bao giờ chết người, bởi thuyền trước đó trống, người ta nổi vớt được ngay. Thực tế trong đợt cứu hộ vừa rồi, tất cả người văng ra hoặc thoát ra đều được cứu sống, còn lại bên trong thì cứu hộ không thành công, chết hết” - ông Sơn đau buồn.

Nói về độ an toàn của ca nô theo chuẩn SI và SB, ông Sơn cho biết Cục Đăng kiểm đã trả lời chính thức. Tuy nhiên, xét theo thực tế tại địa phương thì TP Hội An sẽ mời chuyên gia kiểm tra, có kiến nghị cụ thể nếu như chuẩn SB làm khó khăn cho công tác cứu hộ.

Sóng đánh mạnh vỡ mạn, nước tràn vào lật

Thượng tá Võ Văn Minh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.

Cụ thể, công an đã tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ca nô, làm việc với các cơ quan chức năng trong việc điều hành tổ chức cho ca nô xuất bến. Công an cũng đã kiểm tra và xác định các giấy tờ liên quan của ca nô bị nạn được các cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.

Theo Thượng tá Minh, cơ quan CSĐT lấy lời khai của thuyền trưởng và 12 hành khách, qua đó xác định được nguyên nhân ban đầu.

“Tất cả thuyền viên và những người khác khai nhận do sóng to, gió lớn đập vào mạn thuyền bên trái gây lật, dẫn đến vụ tai nạn” - Thượng tá Minh nói.

Thượng tá Minh thông tin thêm cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo để xác định nguyên nhân cuối cùng.

Cần làm rõ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các cơ quan cần tìm nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn để có hướng xử lý, điều chỉnh hoặc báo cáo các biện pháp khác cho phù hợp.

Ông Thanh cũng đánh giá công tác cứu hộ cứu nạn vụ việc vừa qua đã rất khẩn trương, cứu sống được nhiều người.

“Còn về phương tiện theo chuẩn mới (chuẩn SB - PV) so với trước đây có ưu, nhược điểm gì, phù hợp với đặc điểm của khu vực ra sao thì cơ quan chức năng đánh giá sẽ có ý kiến. Tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT để có kinh nghiệm áp dụng cho các địa phương tùy điều kiện cụ thể” - ông Thanh nói.

Về việc Quảng Nam có tiếp tục dùng loại ca nô theo chuẩn SB cho tuyến Cù Lao Chàm - Cửa Đại, ông Thanh cho biết sẽ làm việc với Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đánh giá, xem xét.

“Sắp đến có phù hợp để sử dụng không thì phải chờ cơ quan chức năng đánh giá, đặc biệt là Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm. Quảng Nam sẽ tăng cường chấn chỉnh quản lý các chủ thuyền, phương tiện, người tham gia để hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn” - ông Thanh chia sẻ.

Kết thúc buổi họp, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục khẳng định đây là sự cố vô cùng đau đớn khi số thương vong quá lớn, không thể bù đắp. Nỗi đau này không chỉ của gia đình các nạn nhân mà là nỗi đau của tất cả.

Theo ông Thanh, vụ việc cho chúng ta bài học vô cùng sâu sắc đối với tất cả ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác quản lý tàu thuyền đi trên sông, biển, không chỉ với Cù Lao Chàm.

“Chúng ta phải rút ra bài học xương máu từ mất mát này. Tôi đề nghị cơ quan công an và các cơ quan liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đồng thời phân tích, mổ xẻ rõ ràng những hành vi vi phạm nếu có phải được xử lý nghiêm minh, không loại trừ cơ quan nào” - ông Thanh yêu cầu.•

 

Tuyến du lịch hình thành hơn 15 năm

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: Tuyến du lịch Hội An - Cù Lao Chàm hình thành đã hơn 15 năm. Có thời điểm tuyến này phát triển rất mạnh, đón 6.000-8.000 lượt du khách/ngày. Trước đây, khách ra Cù Lao Chàm đi ca nô theo chuẩn SI và 15 năm qua không có vụ tai nạn gây chết người.

Trước đó, ca nô du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi, ngụ phường Cửa Đại, TP Hội An) điều khiển chở 39 người từ đảo Cù Lao Chàm về đất liền vào chiều 26-2. Khi đến vị trí cách Trạm biên phòng Cửa Đại khoảng một hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm khiến 17 người tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm