Đại diện khối ngành kĩ thuật gồm giảng viên, cán bộ quản lý thuộc các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM và Cần Thơ vừa có chương trình tham quan quy trình vận hành và sản xuất tại các công ty thành viên thuộc Công ty Công nghiệp Chính xác Việt Nam (VPIC Group) ở các khu công nghiệp ở Đồng Nai.
Đây là chuyến thăm trực quan từ các trường đại học tại các doanh nghiệp (DN) Đài Loan đầu tiên do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM tổ chức.
Quá trình tham quan, đại diện VPIC Group đã khái quát các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ lực và vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong 25 năm qua. Đồng thời, giới thiệu khá chi tiết về quy trình vận hành, sản xuất tại công ty để các trường đại học hình dung về vận hành tại DN.
Bà Nguyễn Cẩm Vân, Phó tổng Điều hành Công ty Cổ phần Công nghiệp Chính xác Việt Nam giới thiệu các hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Giám đốc Cao cấp kinh doanh Công ty TNHH Cơ khí động lực Toàn Cầu, ông Phạm Nguyễn Đạt, cho biết hiện vốn đầu tư của DN đạt khoảng 50 triệu USD. Hiện công ty đang sử dụng gần 3.000 lao động. Bình quân mỗi tháng công ty xuất khoảng 200 container sang các nước Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, giai đoạn đầu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên thị trường và thị phần với các đối tác khá ổn định nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì mạch hoạt động đều đặn.
Ông Peter Wu, Tổng Giám đốc Công ty HH Kim Loại Sheng Bang giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm tại chuyền sản xuất cho đại diện các trường đại học. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Phía người lao động cũng chia sẻ, do công ty có nhiều đơn hàng nên thời gian tăng ca khá đều đặn, người lao động có nguồn thu nhập ổn định so mặt bằng chung.
Cận cảnh một công đoạn sản xuất tại doanh nghiệp Đài Loan. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Từ trải nghiệm trực quan các công đoạn sản xuất, đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận DN là môi trường thực tiễn để công tác đào tạo tại nhà trường điều chỉnh phù hợp. Bản thân Trường ĐH Bách khoa hoạt động tự chủ khi DN đặt hàng đào tạo DN sẽ cho có sản phẩm đào tạo phù hợp môi trường làm việc thông qua việc điều chỉnh chương trình đào tạo và cải tiến các tính năng thân thiện, linh hoạt.
Cùng đó, đại diện Trường ĐH Bách khoa cũng đề nghị ngoài việc hợp tác đào tạo, các DN cần có kế hoạch đặt hàng nghiên cứu để tăng hàm lượng giá trị sản phẩm ra thị trường.
Nữ công nhân đang kiểm tra sản phẩm tại doanh nghiệp Đài Loan ở Đồng Nai. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Bí thư Giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, bà Âu Qúi Hi, cho biết đây là lần đầu văn phòng tổ chức chuyến tham quan DN Đài Loan với thành phần là lãnh đạo, giảng viên đến từ các trường ĐH. Thời gian tới, hoạt động này sẽ được triển khai thường xuyên hơn.
Bà Âu Qúi Hi đánh giá quan sát môi trường đào tạo từ các trường ĐH cho thấy các trường có nhiều hoạt động giao lưu, tham quan nhiều tại các DN để nắm bắt hoạt động tuyển dụng, yêu cầu kĩ năng tay nghề, thái độ của đội ngũ nhân sự từ nhà tuyển dụng nên chưa có sự gắn kết, thông hiểu lẫn nhau.
Bởi vậy, các hoạt chuyến tham quan, trải nghiệm từ lãnh đạo, giảng viên trực tiếp giảng dạy sẽ giúp các trường ĐH hình dung rõ hơn, DN đang cần gì để các trường xây dựng thiết kế chương trình đào tạo sát với nhu cầu DN. "Các chuyến tham quan trực tiếp này sẽ giúp các trường đưa sinh viên về DN càng sớm càng tốt để các em rèn luyện, trải nghiệm", nữ Bí Thư giáo dục chia sẻ.