Doanh nghiệp Hàn Quốc kêu gặp khó về thủ tục, giấy phép con

(PLO)- Ngoài vấn đề môi trường pháp lý, giảm giấy phép con, thì vướng mắc về quản lý phòng cháy, chữa cháy được Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đề cập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 16,7 tỷ USD từ Hàn Quốc, giảm 25,7% so với cùng kỳ, nhưng Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam.

Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,2%).

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong quý 1/2023 chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344 dự án, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư - mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Theo KOCHAM, dù bối cảnh khó khăn nhưng sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty khác như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có quy mô nhập khẩu 731 tỷ USD/năm nên còn nhiều dự địa cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai. Nhưng theo các chuyên gia, khó khăn với các doanh nghiệp không chỉ ở thuế quan mà ở khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường mà phía Hàn Quốc nêu ra.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo: “Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh” trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023), tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8-5, ông Hong Sun - Chủ tịch KOCHAM cho rằng đa số doanh nghiệp nước này ở Việt Nam là hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Trong hệ sinh thái ấy, chi phí đầu vào là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định lựa chọn nơi “xuống tiền”.

Vậy nên, mối quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc chính là khả năng cải cách thủ tục hành chính, môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi, giảm giấy phép con. Có vậy họ mới yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Không đi vào chi tiết, cụ thể từng vướng mắc, nhưng vị Chủ tịch KOCHAM nêu một số kiến nghị từ phía doanh nghiệp Hàn Quốc: “Thời gian tới, Việt Nam cần nới lỏng chế độ chính sách về giấy phép lao động, giấy tạm trú cũng như giấy phép con, giấy phép phòng cháy chữa cháy”.

Đây không chỉ là những vướng mắc cho các nhà đầu tư mới, mà ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam cũng thấy vướng khi muốn mở rộng quy mô hoạt động, nhất là mất nhiều thời gian khi xin giấy phép triển khai dự án – theo ông Hong Sun.

Chia sẻ thêm, ông Hong Sun cho biết nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và KOCHAM
Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và KOCHAM

Chia sẻ với KOCHAM, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng đầu tư, làm ăn, giao thương tại Việt Nam thì các doanh nghiệp cần chú ý hơn vấn đề pháp lý, hợp đồng. Mục đích theo ông Lộc là “để bảo vệ cho nhau, phòng tránh được rủi ro để hợp tác một cách bền vững”.

Vị này cũng chia sẻ thêm, rủi ro và tranh chấp luôn có xu hướng gia tăng, nên quản trị rủi ro, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả phải là một năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp và các nền kinh tế.

Hơn nữa, tất cả hợp đồng hợp tác đều có điều khoản về giải quyết tranh chấp, nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này và chưa biết tới một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả là trọng tài và hòa giải.

Do đó, cần đưa điều khoản về vấn đề này vào hợp đồng, đây cũng là một trong những vấn đề nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm