Doanh nghiệp Việt còn mơ hồ về kinh doanh có trách nhiệm

(PLO)- Thủ tướng ra quyết định thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm đã 4 tháng, nhưng khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt vẫn còn mơ hồ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 843/QĐ-TTg về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan, DN và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; đảm bảo DN tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 4 tháng Chương trình được ban hành, mức độ nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm của các DN Việt Nam vẫn còn thấp.

Hội thảo kinh doanh có trachs nhiệm.jpeg
Toàn cảnh Hội thảo sáng nay (3-11). Ảnh: M.T

Tại hội thảo “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm" tổ chức tại Hà Nội, sáng 3-11, luật sư Vũ Tuấn Anh - Công ty Luật ASL LAW - cho hay, có khoảng 56% DN nhận thức đầy đủ về khái niệm này; 35,7% DN coi kinh doanh có trách nhiệm đơn thuần là tuân thủ các quy định pháp luật. Hoặc có 6,8% DN Việt Nam đánh đồng với trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, 65% DN khảo sát cho biết họ ít thực hiện các yêu cầu này.

Chỉ ra khó khăn trong việc thực hiện Quyết định 843, ông Tuấn Anh cho rằng, trước mắt là hạn chế về nguồn lực như tài chính, chuyên môn, thời gian... Thứ hai là khó khăn trong việc cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, đặc biệt trong tình hình kinh tế chưa phục hồi hậu COVID-19. Việc chú trọng tập trung phục hồi kinh tế sẽ dễ dẫn đến việc bỏ quên trách nhiệm kinh doanh của DN.

Hơn hết, theo ông Tuấn Anh, tăng trưởng kinh tế nhanh đem đến tác động ngoài mong muốn như suy thoái môi trường và vi phạm quyền con người trong DN.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là DN chưa thấy rõ động lực, lợi ích từ hoạt động này mang lại. Chính vì vậy, DN sẽ chỉ dừng lại ở việc tuân thủ kinh doanh có trách nhiệm vì quy định của pháp luật.

Đưa ra kiến nghị, ông Tuấn Anh cho rằng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lao động trên quan điểm cân bằng lợi ích người lao động và người sử dụng lao động. Xây dựng đội ngũ doanh nhân mang tư tưởng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Bên cạnh đó, cần có cơ chế và cơ quan hỗ trợ pháp lý cho người lao động với phí thấp hoặc miễn phí và ban hành sổ tay lao động.

Đánh giá, ông Nguyễn Văn Huấn - chuyên gia UNDP Việt Nam - cho hay, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một khái niệm mới ở Việt Nam, vẫn chưa được nhiều DN biết đến và thực hiện.

Nguyễn Văn Huấn.jpeg
Ông Nguyễn Văn Huấn - Chuyên gia UNDP Việt Nam. Ảnh: M.T

Theo ông Huấn, DN Việt chưa chịu tác động trực tiếp từ các tiêu chuẩn thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay khung khổ pháp lí và tiêu chuẩn về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên thế giới đang cực kì phát triển. Để đảm bảo tiếp cận được các thị trường, tăng tính cạnh tranh của DN trong chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích dài hạn... thì DN Việt cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu, chuẩn bị năng lực để tuân thủ khuôn khổ pháp lí phù hợp với qui định thế giới.

Các DN cũng cần theo sát chính sách của Việt Nam, đồng thời tích cực hợp tác với DN đối tác trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu để nắm bắt, kịp thời có phương án, theo kịp tiêu chuẩn phát triển.

Đại biểu đưa ra ý kiến.jpeg
Đại biểu tham dự đưa nhiều ý kiến về khó khăn của DN khi thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Ảnh: M.T

Bà Brenda Candries - đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU đang đề xuất một luật mới về thẩm định tính bền vững của DN. Chỉ thị đặt ra nghĩa vụ thẩm định DN nhằm ngăn chặn, chấm dứt, giảm thiểu và giải quyết các tác động tiêu cực của DN đến quyền con người và môi trường. Đối tượng là các công ty trực thuộc và chuỗi giá trị của DN trong và ngoài châu Âu.

Theo bà Brenda, DNNVV không thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của dự thảo đề xuất này. Tuy nhiên, những DN này có thể bị ảnh hưởng bởi họ là một phần trong chuỗi giá trị DN lớn hơn.

"Các doanh nghiệp Việt Nam không hoạt động tại châu Âu vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng nếu họ nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp EU", bà Brenda Candries lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm