Họp báo sáng 22-4, giới thiệu về hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức ngày 29-4 tới tại TP.HCM, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần này là sự tiếp nối từ các khóa trước.
“Việc thế này bắt đầu từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tới thời ông Phan Văn Khải thì thành sự kiện thường niên. Đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì có tổ chức một vài lần. Nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nhậm chức thì quyết định đầu tiên là sẽ gặp doanh nghiệp. Ấy là tín hiệu đáng mừng”.
Cách thức hội nghị lần này có nhiều cải tiến so với các lần trước. Tổ chức ở TP.HCM nhưng trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh, thành. Giấy mời cũng trang trọng hơn, do đích thân Thủ tướng ký chứ không phải tờ A4 do Văn phòng Chính phủ phát hành, kiểu như “giấy triệu tập”.
Ngay trong hội nghị, đại diện hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, TP.HCM sẽ ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Cam kết được xây dựng với các tiêu chí, định lượng rõ ràng, có cơ sở để đánh giá. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành, giải quyết ngay những vướng mắc mà doanh nghiệp chỉ ra.
Đáng chú ý, theo ông Lộc, sản phẩm của hội nghị sẽ là dự thảo nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về doanh nghiệp. Nghị quyết sẽ chia các vấn đề theo nhóm lĩnh vực, từ thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thủ tục xây dựng, đầu tư, chi phí không chính thức… Chính phủ sẽ họp thảo luận để có thể ban hành vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên, cả ông Vũ Tiến Lộc và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đều thừa nhận chỉ một hội nghị không giải quyết nổi những hạn chế trong thực thi pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh. Dẫn chứng là Nghị quyết 19 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành từ năm 2014 nhưng tới mỗi kỳ báo cáo kết quả thực hiện, chỉ một vài bộ ngành, địa phương là đúng hạn.
Chuẩn bị cho hội nghị Thủ tướng - doanh nghiệp lần này, hạn 20-4 các nơi phải báo cáo về tình hình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của mình. Thế nhưng đến hôm nay, mới chỉ có Lào Cai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước và VCCI là có kết quả gửi Văn phòng Chính phủ.
“Kỷ luật công vụ của ta không nghiêm. Tôi hiến kế là báo chí, doanh nghiệp, người dân hãy bám sát các vị bộ trưởng, quan đầu tỉnh xem thực thi trách nhiệm của họ thế nào. Hãy gây áp lực bằng chính lá phiếu bầu cử Quốc hội, HĐND tới đây” - ông Hà nói.