Số y-bác sĩ này từ chối điều trị bệnh nhân Ebola do sợ lây nhiễm và đòi tăng lương. Bộ Y tế đã thông báo đến các bệnh viện công yêu cầu khôi phục toàn diện các dịch vụ y tế dù thiếu y-bác sĩ.
Nigeria cùng với Guinea, Liberia và Sierra Leone là bốn nước Tây Phi đang có dịch Ebola. Quyết định sa thải số lượng lớn bác sĩ gặp nhiều phản đối. Hiệp hội Y khoa Nigeria đã yêu cầu chính phủ rút lại quyết định trên.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (LHQ) đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho một triệu dân ở Tây Phi bị dịch Ebola ảnh hưởng. Do Ebola hoành hành, tình hình thiếu hụt thực phẩm ở Guinea, Sierra Leone và Liberia diễn ra rất trầm trọng. Thủ đô Conakry (Guinea) hầu như không còn nguồn cung cấp rau quả và trái cây. Rất nhiều siêu thị ở Sierra Leone và Liberia đóng cửa. Tại các địa phương bị cách ly, giá gạo và nhu yếu phẩm tăng cao.
Tại Mỹ, báo New York Times cho biết các bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Ebola. Trung tâm Kiểm soát và Phòng, chống dịch bệnh đã ban hành hướng dẫn đến các bệnh viện cách điều trị bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại trang phục bảo hộ nêu trong hướng dẫn không đủ bảo vệ nhân viên y tế khỏi lây nhiễm. Theo hướng dẫn, nhân viên y tế chỉ cần đeo găng tay, mặc áo choàng chống thấm nước, mang dụng cụ bảo vệ mắt và mặt nạ chứ không phải trang bị kín từ đầu đến chân như các nhân viên y tế đang chống dịch Ebola ở châu Phi. Vì vậy nhiều bệnh viện cho biết sẽ trang bị thêm ủng và mũ trùm đầu cho nhân viên y tế.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết từ khi có dịch, FDA đã nhận nhiều khiếu nại về tình trạng bán thuốc điều trị lây nhiễm Ebola giả trên mạng Internet. FDA khẳng định đến giờ vẫn chưa có vaccine, thuốc uống hay sản phẩm đặc biệt nào được chứng nhận điều trị hiệu quả virus Ebola và được phép bán qua mạng.
ĐĂNG KHOA