"Không, tôi không thấy có bất kỳ vấn đề nào với cuộc điện đàm đó" - Nghị sĩ bang Ohio Jim Jordan khẳng định trong một chương trình của đài CNN hôm 29-9. "Bây giờ bản ghi âm nội dung đã công bố. Tổng thống Ukraine cũng khẳng định không bị ai thúc ép”.
"Nếu đảng Dân chủ muốn luận tội tổng thống vì luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, đã nói chuyện với nhiều người Ukraine, thì đảng Dân chủ cứ hy vọng đi. Nhưng tôi không nghĩ người dân Mỹ cho rằng đó là hành động thích hợp" - ông Jordan nói.
Thượng nghị sĩ Jim Jordan khẳng định không có vấn đề gì trong cuộc điện đàm của ông Trump và tổng thống Ukraine. Ảnh: CNN
Một thượng nghị sĩ khác là ông Lindsey Graham của bang South Carolina cũng khẳng định không có sự đổi chác nào trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelenskiy ngày 25-7.
"Không có sự trao đổi qua lại gì ở đây nhưng tôi có một vấn đề với bà Nancy Pelosi. Nếu các bạn tin rằng Tổng thống Trump đã làm điều gì đó tổn thương đất nước này thì các bạn nợ một phiếu bầu, chứ không phải là luận tội tổng thống. Cách duy nhất để mở một cuộc điều tra luận tội là hãy bỏ phiếu”.
Tất cả bình luận từ các đồng minh của ông Trump đưa ra sau khi những người tố giác bí mật nói rằng nội bộ Nhà Trắng đang rất lo lắng về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump với người đồng cấp Zelenskiy hồi tháng 7.
Cũng trong ngày 29-9, hầu hết các đồng minh của Trump đều chuyển sự chú ý sang nhà Biden. Thượng nghị sĩ Graham đề nghị rằng phải có "ai đó giống như" cựu Cố vấn đặc biệt Robert Mueller để điều tra việc ép buộc của phó tổng thống trong việc Ukraine sa thải một công tố viên nước này, theo NBC.
Thượng nghị sĩ Graham đề nghị phải có "ai đó giống như" cựu Cố vấn đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: CBS
"Tôi nghĩ ai đó nên điều tra xem liệu ông Joe Biden yêu cầu sa thải một công tố viên một cách hợp lý hay không” - ông Graham nói - "Tôi rất mến ông Biden nhưng tôi muốn có một tổng thanh tra như Mueller trước kia. Ông Biden liệu có biết rằng con trai mình đã nhận được 50.000 USD/tháng từ một công ty khí đốt Ukraine đang bị điều tra hay không?".
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Trump ngày 29-9 đề nghị muốn gặp người tố giác bí mật "nói rằng ông đã cố gắng nhờ một thế lực nước ngoài can thiệp để có lợi cho cuộc bầu cử của mình".
"Giống như mọi người Mỹ, tôi rất muốn và "xứng đáng" gặp người tố cáo mình, với biệt danh "người thổi còi", đã làm lệch hướng cuộc trò chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài theo cách hoàn toàn không chính xác" - ông Trump viết trên Twitter.